Từ 0 giờ ngày 17-7, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Phước thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16) trong vòng 15 ngày; các địa phương khác trong tỉnh cũng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg. Đây được xem là biện pháp mạnh nhằm triệt để khoanh vùng, tập trung truy vết và dập dịch trong cộng đồng. Trong thực hiện giãn cách xã hội người dân, nhất là những lao động thu nhập bấp bênh, gặp không ít khó khăn về kinh tế, nhưng đều đồng thuận với các biện pháp mà chính quyền thực hiện nhằm nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19 để cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Những ngày qua, ngoài các khu vực bị phong tỏa do có ca bệnh COVID-19 thì người dân các địa phương trên địa bàn thành phố và huyện Ninh Phước cơ bản chấp hành nghiêm việc thực hiện giãn cách xã hội. Cán bộ, công chức, viên chức đến công sở có giấy thông hành; người dân đi chợ có thẻ; công nhân, nhân viên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết yếu đi làm có giấy xác nhận và cam kết thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch nên cũng được coi là ít bị tác động. Song có một bộ phận lao động tự do, người làm công trong các quán dịch vụ ăn uống, người buôn bán hàng rong trên vỉa hè và trong các chợ tự phát, lao động theo công trình dân dụng thì phải tạm nghỉ việc khi Chỉ thị 16 được áp dụng... Liên lạc với chị Văn Thị Thúy Liên, chủ một tiệm phở trên đường Ngô Gia Tự, phường Thanh Sơn, được biết, vài tuần trước, quán của chị đã thực hiện bán cho khách mang về chứ không còn phục vụ tại chỗ. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay và thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị 16, tôi đã dừng kinh doanh, vừa chấp hành đúng quy định của địa phương, vừa bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Tôi không lo lắng nhiều về kinh tế gia đình, chỉ trăn trở mấy nhân công đang phụ quán vì dịch phải nghỉ làm, không có thu nhập nữa. Hay như anh Nguyễn Trung Hiếu, ở khu phố 6, phường Phủ Hà, vốn làm nghề phụ xe khách tuyến Phan Rang - TP. Hồ Chí Minh. Hơn 1 tháng nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chủ doanh nghiệp cắt giảm cả tài chính lẫn phụ xe nên anh Hiếu cũng nghỉ việc, về nhà phụ vợ bán tôm càng xanh tại chợ Thanh Sơn, thu nhập bấp bênh, có ngày bán không hết thì coi như lỗ vốn. Nay thành phố thực hiện Chỉ thị 16, anh Hiếu chưa biết phải bươn chải thế nào cho hết đợt giãn cách xã hội, song gia đình anh vẫn chấp hành nghiêm quy định không ra ngoài lấy hàng đi bán, góp phần hạn chế nguồn lây từ các chợ đầu mối đang “nóng” lên từng ngày.
Lực lượng chức năng kiểm tra phiếu đi chợ của người dân tại chợ Thanh Sơn, phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Phan Bình
Một dãy trọ trên đường Đổng Dậu, phường Bảo An là nơi tập trung một nhóm người từ nhiều địa phương khác về tỉnh ta làm nghề bán trái cây, chổi lông gà và vé số dạo. Nguồn kinh tế trang trải cuộc sống của họ tính theo ngày, ngày thu nhiều ăn nhiều, thu ít ăn ít, hiếm lắm mới có người dành dụm chút ít thì lo tiền trọ, tiền gửi về cho con cái ở quê. Chị Võ Thị Tân quê ở Hải Dương, bộc bạch, thu nhập theo xe trái cây di động không ổn định nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống ở đây và gửi về quê cho con cái đi học. Nhưng khi thực hiện Chỉ thị 16, chị và những hàng xóm cùng dãy trọ trăn trở trong vòng 15 ngày phải hạn chế ra ngoài thì chưa biết kiếm sống bằng cách nào. Dù cuộc sống những ngày tới sẽ nhiều khó khăn nhưng chúng tôi ý thức chấp hành nghiêm chủ trương của chính quyền địa phương để góp phần chống dịch.
Trước những khó khăn của người lao động do tác động của dịch COVID-19, bên cạnh triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong cả nước, ngày 1-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ở tỉnh ta, ngày 16-7, UBND tỉnh cũng đã họp triển khai kế hoạch thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với yêu cầu trong quá trình thực hiện phải bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cao nhất. UBND tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, sở, ngành liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch nghiêm túc, khẩn trương, công khai, minh bạch, đúng đối tượng và đúng quy định, từ đó tạo được niềm tin, góp phần chia sẻ bớt khó khăn và động viên người lao động vượt qua dịch bệnh. Do đó, để Nghị quyết số 68/NQ-CP triển khai kịp thời, hiệu quả, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giúp người dân nắm vững, tiếp cận tốt chính sách cũng như thực hiện tốt các quy trình, thủ tục được thụ hưởng; phối hợp với tổ chức Mặt trận, đoàn thể trong công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời lưu ý đến đối tượng lao động không ký kết hợp đồng lao động vì đây là những đối tượng nhiều khó khăn cần quan tâm, hỗ trợ trong điều kiện khó khăn do tác động của dịch COVID-19 như hiện nay.
Thực hiện giãn cách xã hội là quãng thời gian quyết định để toàn tỉnh khống chế dịch COVID-19. Tin rằng, với sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân và sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách của Chính phủ, của tỉnh đến nguồn nhân lực, vật lực, tỉnh ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống của người dân trở về bình thường.
Diễm My