Buổi sáng:
Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách để bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước bằng hình thức điện tử, kết quả như sau:
- Đối với danh sách bầu Tổng Thư ký Quốc hội: có 480 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 480 đại biểu tán thành (bằng 100% số đại biểu có mặt và bằng 96,19% tổng số đại biểu Quốc hội);
- Đối với danh sách bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội: có 476 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 476 đại biểu tán thành (bằng 100% số đại biểu có mặt và bằng 95,39% tổng số đại biểu Quốc hội);
- Đối với danh sách bầu Tổng Kiểm toán nhà nước: có 476 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 476 đại biểu tán thành (bằng 100% số đại biểu có mặt và bằng 96,19% tổng số đại biểu Quốc hội).
Tiếp đó, Quốc hội bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước bằng hình thức điện tử, kết quả như sau:
- Nghị quyết bầu Tổng Thư ký Quốc hội: có 478 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 478 đại biểu tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt và 95,79% tổng số đại biểu Quốc hội).
- Nghị quyết bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội: có 475 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 475 đại biểu tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt và bằng 95,19% tổng số đại biểu Quốc hội).
- Nghị quyết bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước: có 472 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 471 đại biểu tán thành (bằng 94,39% tổng số đại biểu Quốc hội); 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và tiến hành thảo luận về nội dung này.
Tại phiên thảo luận đã có 10 đại biểu Quốc hội phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Bên cạnh đó, các ý kiến đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung sau: việc điều chỉnh, lựa chọn 02 chuyên đề giám sát tối cao; phạm vi giám sát những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; việc nâng cao chất lượng “hậu giám sát”; những kiến nghị về phương thức và cách thức tiến hành cho phù hợp với điều kiện dịch COVID-19…
Tiếp đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả phê chuẩn nhân sự Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Ủy viên Thường trực và Ủy viên Chuyên trách.
Buổi chiều:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Từ 14 giờ 00 đến 15 giờ 30: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và tiến hành thảo luận về nội dung này.
Trong quá trình thảo luận đã có 11 đại biểu Quốc hội phát biểu và 01 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu nhất trí cao với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các ý kiến thảo luận tập trung đánh giá việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua và đề xuất thêm nhiều giải pháp cụ thể để tiếp tục đổi mới phương pháp xây dựng pháp luật, cụ thể như: cần nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, thực hiện chương trình trong thời gian tới; đề nghị siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua; đề nghị đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, soạn thảo một số dự án luật và nghị quyết của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn trương thể chế hóa văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống; sớm trình Quốc hội ban hành các dự án Luật để thực hiện “mục tiêu kép” vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch bệnh và bảo đảm hội nhập quốc tế hiệu quả…
Từ 15 giờ 30: Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội họp để thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền.
Thứ Năm, ngày 22/7/2021:
Buổi sáng, từ 8 giờ 00 đến 9 giờ 40, Quốc hội họp phiên toàn thể nghe các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (phiên họp được Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp). Tiếp đó, Quốc hội nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Sau đó, Quốc hội họp riêng nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về cơ cấu của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và thảo luận ở Đoàn về nội dung này.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Theo TTXVN/Báo Tin tức