Tại phiên làm việc sáng, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Theo đó, ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Tổng Thư ký Quốc hội khóa XV.
Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết bầu các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử, sáng 21/7. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Các Ủy viên Trung ương Đảng gồm: ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV; bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XV; ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV; ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Bộ Công an được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội; ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV; bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV; ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV; ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XV.
Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước khóa XIV giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước khóa XV.
Trong phiên làm việc, thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, nhiều đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát để triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những nội dung đổi mới cụ thể, thiết thực, khả thi, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn hai chuyên đề để giám sát tối cao, hai chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Cụ thể, Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành. Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021. Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
Thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 vào chiều 21/7, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tập trung cho ý kiến về việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) chỉ rõ, đây là vấn đề đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Chính phủ đề nghị cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 và thông qua vào kỳ họp thứ 4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. "Đây là sự thận trọng có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề. Trên thực tế, việc quản lý, sử dụng đất đai cho thấy, đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tiêu cực, sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương khi giao đất, thu hồi đất. Do đó, cần thông qua theo quy trình 3 kỳ họp bởi tính phức tạp cả về lý luận, thực tiễn của vấn đề sở hữu, quản lý, sử dụng đất đai", đại biểu phân tích.
Đề cập đến vấn đề điều chỉnh Chương trình, đưa vào rồi lại rút ra, hồ sơ trình chưa đảm bảo về thời gian… là những nội dung tồn tại nhiều năm chưa được khắc phục, một số đại biểu chỉ rõ, cần xây dựng cơ chế, trách nhiệm pháp lý theo hướng cá thể hóa trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị và trình dự án luật trước Quốc hội, góp phần đổi mới, chủ động trong công tác xây dựng pháp luật.
Theo TTXVN/Báo Tin tức