Làm rõ trường hợp 4 ngư dân đi bộ từ tỉnh Ninh Thuận về Phú Yên

Thời gian qua một số báo đưa tin có 4 ngư dân không tiền, nhịn đói, xuyên ngày đi bộ từ Ninh Thuận về tỉnh Phú Yên. Trước thông tin trên, Phóng viên Báo Ninh Thuận cùng với lãnh đạo UBND xã Cà Ná đã có buổi làm việc với vợ chồng anh Nguyễn Hải (tên thường gọi là Nô), sinh năm 1972, ở thôn Lạc Nghiệp 2 (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam), là chủ thuyền, chứ không phải là ông Tám như một số thông tin đã đưa, để làm rõ vụ việc này.

Anh Hải cho biết, thuyền của anh có số hiệu NT-90760-TS do anh làm chủ và anh Tám là em của anh làm tài công. Thuyền có 9 bạn thuyền, trong đó có 6 bạn thuyền là các anh Nguyễn Văn Nhanh, Nguyễn Văn Kha, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Tấn Ngọc và một người tên Hân thường trú tại xã An Ninh Đông và An Ninh Tây ( huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Qua trao đổi anh Hải cho biết, trong khoảng thời gian từ 7-6 đến 9-7-2021, thuyền của anh khai thác hải sản đạt, tổng thu được hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ tổn phí, ước tính mỗi phần bạn thuyền có thu nhập hơn 4 triệu đồng. Do nghe dự báo thời tiết sẽ có bão, gió lớn nên thuyền của anh Hải đã di chuyển từ vùng biển Nha Trang về Cảng cá Cà Ná để tránh trú vào ngày 18-7-2021. Về đến Cà Ná các bạn thuyền ở Phú Yên đề nghị chia tiền đi biển  để về quê.

Vợ chồng anh Nguyễn Hải, ở thôn Lạc Nghiệp 2 (xã Cà Ná) chia sẻ thông tin vụ việc.

Trước yêu cầu của các bạn thuyền, gia đình anh đã Hải động viên và thuyết phục họ không nên về quê lúc này vì qua thông tin báo chí cho biết tỉnh Phú Yên cũng đang xảy ra dịch COVID-19 rất phức tạp; nếu về đến nhà cũng sẽ phải thực hiện cách ly 21 ngày theo quy định; nếu các anh ở lại gia đình anh Hải sẽ bảo đảm điều kiện về nơi ăn ở...nhưng không được chấp nhận. Mặc dù chủ vựa thu mua hải sản chưa thanh toán tiền nhưng vợ chồng anh Hải đã ứng tiền của gia đình để cho 6 bạn thuyền tạm mượn, mỗi người 3 triệu đồng, ngoài ra còn hỗ trợ thêm mỗi người 200 ngàn đồng để làm "lộ phí". Đồng thời gia đình anh Hải đã đưa các bạn thuyền đến Trung tâm Y tế huyện Thuận Nam làm thủ tục, xét nghiệm COVID-19 đúng quy định.

Do không thuê được xe (vì thời gian này tỉnh Ninh Thuận đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ) nên 6  bạn thuyền quyết định đi bộ về Phú Yên. Xuất phát từ Cà Ná vào lúc 7 giờ ngày 19-7, các bạn thuyền lên quốc lộ 1A để đón xe về quê. Tuy nhên chỉ có anh Nguyễn Tấn Ngọc và anh Hân đón được xe tải từ TP. Hồ Chí Minh ra chở về Phú Yên, 4 người còn lại tiếp tục đi bộ. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, các anh Nguyễn Văn Nhanh, Nguyễn Văn Khoa, Nguyễn Văn Hồng và Nguyễn Văn Thanh đi bộ ra đến huyện Thuận Bắc thì được cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên vào hỗ trợ đưa về nhà vào sáng ngày 20-7. Anh Hải cho biết thêm, trong ngày 19-7, anh thường liên lạc với các bạn thuyền để biết tình hình và khuyên nếu không đón được xe về Phú Yên thì anh sẽ thuê xe đến đón quay về lại Cà Ná nhưng các bạn thuyền đều không đồng ý và tiếp tục đi bộ.

Vợ chồng anh Hải cho biết vợ chồng anh rất buồn khi đọc được thông tin các bạn thuyền bị bỏ đói và phải đi bộ về quê vì không có tiền để đi xe (chỉ được chủ thuyền trả lộ phí 200 ngàn cho một người). Anh Hải nói mình đã có trên 30 năm đi biển nên hiểu hoàn cảnh và quý bạn thuyền nên không có chuyện đối xử để bạn thuyền thiếu tiền, đói khát phải đi bộ về quê tận ngoài tỉnh Phú Yên. Thông tin này đã tạo ra dư luận không tốt đối với gia đình anh tại địa phương, ảnh hưởng đến nghề nghiệp của anh trong thời gian tới.

Đồng chí Trần Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Ná cho biết địa phương đã tiến hành xác minh ngay khi có thông tin 4 ngư dân từ xã Cà Ná do không có tiền phải đi bộ về quê ở Phú Yên. Đồng chí Tùng cho biết những ngư dân này tự đi về quê mà không báo hay đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ.