Theo Kế hoạch, chính sách hỗ trợ gồm 12 nội dung: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật; hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch để trong quá trình thực hiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cao nhất. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch nghiêm túc, khẩn trương, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giúp người dân nắm vững, tiếp cận tốt chính sách cũng như thực hiện tốt các quy trình, thủ tục được thụ hưởng. Phối hợp với tổ chức Mặt trận, đoàn thể trong công tác kiểm tra, giám sát. Lưu ý đến đối tượng lao động không ký kết hợp đồng lao động vì đây là những đối tượng nhiều khó khăn cần quan tâm, hỗ trợ trong điều kiện khó khăn dịch COVID-19 như hiện nay. Đồng chí cũng lưu ý ngoài các thủ tục được quy định trong Nghị định số 23/2021/QĐ-TTg, các sở, ngành, địa phương không được phát sinh thêm bất cứ thủ tục nào gây khó khăn cho người thụ hưởng chính sách của Nhà nước.
Uyên Thu