Cùng dự, có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Long Biên, Lê Huyền; lãnh đạo các sở, ngành và 7 điểm cầu địa phương.
Năm 2020, chỉ số ICT Index xếp vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 04 bậc so với năm 2019 và 11 bậc so với năm 2018; chỉ số SIPAS, đạt 85,17%, tăng tỷ lệ 4,13% so với năm 2019 (đạt mục tiêu đến năm 2020 trên 80% theo Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy), xếp vị thứ 32/63 tỉnh, thành phố, tăng 17 bậc so với năm 2019, xếp vị thứ 8/14 tỉnh loại III, xếp thứ 3/8 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ; chỉ số PAPI đạt 40,746/80 điểm, xếp vị thứ 58/63 tỉnh, thành phố (giảm 2,514 điểm, giảm 21 bậc so với năm 2019) thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất; PAR INDEX tỉnh đạt 78/100 điểm, xếp vị thứ 60/63 tỉnh, thành phố (giảm 2.95 điểm và giảm 28 bậc so với năm 2019).
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến phân tích, đánh giá, cải thiện các Chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS, ICT.
Hội nghị đã tập trung phân tích sâu đánh giá nguyên nhân đạt và chưa đạt về thứ hạng các chỉ số; phân tích các chỉ số thành phần còn đứng ở thứ hạng thấp để tìm giải pháp khắc phục. Các sở, ngành, địa phương đã cam kết thực hiện nhiệm vụ giữ vững và nâng cao kết quả Chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI, ICT của tỉnh trong năm 2021. Cụ thể: Phấn đấu Chỉ số PAR INDEX của tỉnh tăng từ 4,6 điểm trở lên, đạt từ 82,6 điểm trở lên, tăng từ 15 bậc trở lên, xếp vị thứ 45/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PAPI đạt 45 điểm, xếp vị thứ 45/63 tỉnh, thành phố (tăng 4,26 điểm và tăng 13 bậc so với năm 2020); SIPAS tiếp tục giữ ổn định mức trên 85%, phấn đấu tăng từ 2% trở lên (trong đó tăng 1% tại nội dung “cung ứng dịch vụ công” và tăng 1% tại nội dung “tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị” – thông qua giải pháp đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính và triển khai cơ chế để người dân có thể góp ý, phản ánh, kiến nghị thông qua môi trường mạng)…
Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận kết quả đánh giá các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, ICT thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác CCHC, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo giá trị. Tuy nhiên, qua kết quả tổng hợp, phân tích cũng cho thấy nhiều tồn tại, hạn chế, cần phải thẳng thắn nhìn nhận, rút kinh nghiệm và tìm biện pháp khắc phục. Đồng chí nhấn mạnh, CCHC là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục và lâu dài, cần phải thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt. Do đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này, đồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt thực hiện và xác định việc nâng cao Chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS là nhiệm vụ khó, phức tạp, trọng tâm, đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; là thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền; là một trong những căn cứ để xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện các Chỉ số phải gắn với chỉ tiêu nhiệm vụ trong phát triển KT-XH. Lấy kết quả triển khai các Chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính, thi đua khen thưởng của các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, chú ý việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong quá trình thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS phải đảm bảo thực chất, phản ánh đúng thực trạng hiệu quả hoạt động của nền hành chính; chủ động nghiên cứu, sáng tạo, quyết liệt áp dụng những sáng kiến, giải pháp, cách làm mới, lấy phục vụ nhân dân làm mục tiêu, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch trong thực hiện CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong CCHC, thủ tục hành chính và hoạt động của cơ quan, đơn vị…
Xuân Nguyên