WB tăng quỹ vaccine ngừa COVID-19 cho các nước đang phát triển lên 20 tỷ USD

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 30/6 thông báo đã tăng ngân sách của Quỹ vaccine ngừa COVID-19 dành cho các quốc gia đang phát triển thêm 8 tỷ USD, lên mức 20 tỷ USD.

Ngoài ra, tổ chức tài trợ tư nhân của WB cũng đã cam kết cung cấp 600 triệu euro (tương đương 710 triệu USD) cho một nhà sản xuất vaccine Nam Phi để thúc đẩy sản lượng vaccine ngừa COVID-19.

Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại một trung tâm tiêm chủng ở Tel Aviv, Israel ngày 31/12/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch WB David Malpass nêu rõ: "Sự phối hợp các hành động được công bố ngày hôm nay về tài trợ, sản xuất và triển khai vaccine sẽ cứu được nhiều mạng sống, thúc đẩy phục hồi kinh tế và đảm bảo cơ hội phát triển thịnh vượng cho người dân ở các nước đang phát triển".

Theo WB, khoản tiền 20 tỷ USD nói trên sẽ được dùng để tài trợ cho việc phân phối vaccine, dây chuyền bảo quản lạnh và đào tạo nhân viên y tế từ nay đến năm 2022.

Tính đến ngày 30/6, WB đã giải ngân 4,4 tỷ USD cho 51 quốc gia đang phát triển, 50% trong số này dưới hình thức viện trợ không hoàn lại hoặc các khoản vay lãi suất thấp.

Ông Malpass đồng thời hối thúc các quốc gia phát triển tăng cường hỗ trợ các quốc gia đang phát triển tiếp cận nguồn cung vaccine, trong đó lưu ý tới việc lượng vaccine dành cho các nước này nên cao hơn số lượng vaccine đã được triển khai tại các nước giàu, xét về tỉ lệ dân số.

Lời kêu gọi của ông Malpass được đưa ra sau cuộc họp đầu tiên của lực lượng đặc nhiệm về vaccine ngừa COVID-19, bao gồm các lãnh đạo của WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tuyên bố chung sau cuộc họp trên cho biết lực lượng đặc nhiệm được thành lập hoạt động như một "phòng trực chiến", theo đó điều phối việc cung cấp vaccine ở các nước đang phát triển. Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi vô cùng lo ngại về nguồn cung hạn chế của các loại vaccine, biện pháp điều trị, chẩn đoán và hỗ trợ chuyển giao cho các nước đang phát triển. Cần phải có hành động khẩn cấp ngay bây giờ để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm đang gia tăng do đại dịch, đồng thời để thu hẹp khoảng cách trong quá trình phục hồi kinh tế giữa các nền kinh tế phát triển và phần còn lại".

Theo TTXVN/Báo Tin tức