Theo đó, mục tiêu của Chương trình là nhằm phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (lao động trẻ em) và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em (LĐTE). 100% trẻ em có nguy cơ, LĐTE và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi. Trên 90% trẻ em có nguy cơ, LĐTE được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.
Chương trình cũng đặt mục tiêu 80% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE. 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE...
Đến năm 2030, Chương trình phấn đấu giảm tỷ lệ LĐTE và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số LĐTE và người chưa thành niên.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đưa ra các nhiệm vụ cụ thể như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE; truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE; nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa LĐTE, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng lao động trẻ em...
T.D