Ninh Thuận đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

* Nhìn lại qua 5 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương và quyết tâm chính trị cao của toàn Ðảng bộ và Nhân dân trong tỉnh, 5 năm qua tỉnh ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.

Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, một số lĩnh vực tăng trưởng nhanh. Các khâu đột phá về năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch từng bước phát huy hiệu quả. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước được tích cực thực hiện. Năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu được cải thiện đáng kể. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, đời sống của Nhân dân được cải thiện. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được tăng cường; văn hóa, thông tin, truyền thông, thể dục, thể thao có nhiều chuyển biến; giải quyết việc làm và giảm nghèo đạt nhiều kết quả; các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời.

Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại được quan tâm triển khai toàn diện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác nội chính, cải cách tư pháp, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tranh thủ được nhiều nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giản biên chế cơ bản đảm bảo theo kế hoạch; công tác tổ chức và cán bộ thường xuyên được quan tâm.

Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cờ hoa rực rỡ tuyên truyền các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Công tác lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường. Công tác dân vận có nhiều chuyển biến tích cực. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được nâng lên.

* Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Ninh Thuận là tỉnh nông nghiệp thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên là 3.358 km, gồm 07 đơn vị hành chính (01 thành phố và 06 huyện). Khu vực nông thôn triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) có 47 xã/258 thôn, trong đó có 19 xã đặc biệt khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển với nguồn thu nhập chính của các hộ ở khu vực nông thôn chủ yếu là từ nông, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn (66,6%) trong cơ cấu của hộ.

Nhờ ứng khoa học kỹ thuật trong sản xuất măng tây xanh nên đời sống của người dân xã An Hải (Ninh Phước) ngày càng phát triển.

Thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, đến nay nhận thức của một bộ phận người dân, từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực tham gia xây dựng NTM và đã trở thành phong trào sôi động khắp cả tỉnh.

Nhờ đó, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực theo định hướng cơ cấu lại sản xuất, khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương. Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống; công tác giữ gìn bảo vệ môi trường, an ninh trật tự để xây dựng NTM bền vững.

Cơ sở hạ tầng xã An Hải nông thôn mới được đầu tư ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy; dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất; niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền được nâng cao…

► Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới


► Kết quả thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới:

Giai đoạn 2011-2015 toàn tỉnh tăng 401 tiêu chí so với xuất phát điểm, bình quân tăng 80,2 tiêu chí/năm và đến hết năm 2015 có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 5 tiêu chí, hoàn thành chỉ tiêu cơ bản của giai đoạn này.

Giai đoạn 2016-2020 có 2 huyện Ninh Phước, Ninh Hải đạt chuẩn nông thôn mới.

Giai đoạn 2016-2020 (áp dụng Bộ tiêu chí mới chí theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 với 19 tiêu chí, 49 chỉ tiêu) toàn tỉnh tăng 200 tiêu chí so với năm 2015, bình quân tăng 40 tiêu chí/năm và có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, không còn xã dưới 10 tiêu chí, hoàn thành vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết đề ra.

* Phấn đấu đưa Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo cả nước

Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5 m/s ở độ cao 65 m và mật độ gió từ 400-500 W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18 đến 20 m/s (ở độ cao 12 m). Đặc biệt, trên địa bàn Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6 m/s, đảm bảo ổn định cho turbine gió phát điện. Đây chính là lợi thế căn bản để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển mạnh năng lượng điện gió.

Trong khi đó, đối với tiềm năng phát triển điện Mặt Trời, Ninh Thuận là địa phương có cường độ bức xạ lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ Mặt Trời rất lớn, tới trên 230 kcal/cm2; trong đó tháng ít nhất cũng đạt khoảng 14 kcal/cm2.

Vì vậy,  tỉnh Ninh Thuận là địa phương được đánh giá có tiềm năng năng lượng Mặt Trời lớn nhất cả nước. 

* Định hướng chiến lược để tạo đột phá


* Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội đã đề ra các mục tiêu và chỉ tiêu:

 * Các chỉ tiêu chủ yếu

- Về kinh tế: Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 10-11%/năm. Đến năm 2025, kinh tế biển chiếm khoảng 41-42% GRDP của tỉnh. GRDP bình quân đầu người đạt 113-115 triệu đồng/người; cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm 18-19%, công nghiệp - xây dựng chiếm 42-43%, dịch vụ chiếm 39-40%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 100-105 ngàn tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt 6.400-6.500 tỷ đồng.

- Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm 1,5-2% hằng năm; có 75% số xã và 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 33%; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

- Về môi trường: Đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49%; tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch ở đô thị và nước hợp vệ sinh ở nông thôn đạt từ 98% trở lên; tỷ lệ khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn 100%.

- Về quốc phòng - an ninh: Tỷ lệ xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện hằng năm đạt 70% trở lên. Tỷ lệ đảng viên trong dân quân, tự vệ đạt 25% trở lên.

- Về xây dựng Đảng: Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hằng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 85% trở lên; tỷ lệ đảng viên hằng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 85% trở lên; hằng năm kết nạp từ 800-900 đảng viên.

* Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Rà soát, đánh giá các chủ trương lớn trong nhiệm kỳ 2015-2020 để tiếp tục triển khai trong nhiệm kỳ tới (gồm 9 chương trình, đề án). Đồng thời, xác định 9 chương trình, đề án mới cần tập trung lãnh đạo thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025, gồm:

  Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới;

  Xây dựng tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước;

  Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh;

  Phát triển kinh tế đô thị, trọng tâm là từng bước xây dựng Phan Rang- Tháp Chàm thành thành phố thông minh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội;

  Ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo;

  Tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường;

  Đề án thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

  Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.