Cuộc đua nghiên cứu vaccine 2.0 ngừa COVID-19 trên toàn cầu

Theo các nhà lãnh đạo trong ngành, vaccine ngừa COVID-19 thế hệ thứ hai sẽ có giá thành rẻ hơn, vận chuyển dễ dàng hơn và hiệu quả trước các biến thể virus SARS-CoV-2.

Báo USA Today đưa tin các hãng dược phẩm trên thế giới đang tham gia một cuộc chạy đua nhằm cho ra đời loại vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả đến 90% không chỉ đối với các biến thể của virus SARS-CoV-2 mà thậm chí với một vài loại virus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng như virus SARS 2003.

Bên cạnh đó, các công ty cũng đang thử nghiệm những loại vaccine không cần phải bảo quản trong nhiệt độ lạnh, không cần tiêm đủ hai liều, có ít tác dụng phụ hơn, dễ dàng sản xuất được nhiều hơn và có thể được đưa vào cơ thể người mà không cần ống tiêm, hỗ trợ đưa vaccine tới vùng quê hoặc khu vực đang phát triển.

Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

“Từ xưa đến nay, lịch sử trong ngành vaccine đều đã chứng minh các loại vaccine thế hệ thứ hai đều là những phiên bản nâng cấp từ các vaccine thế hệ thứ nhất. Đó chỉ là trình tự tự nhiên”, Scot Roberts – người đứng đầu bộ phận khoa học tại công ty kỹ thuật sinh học Altimmune ở Gaithersburg, Maryland – cho hay. Công ty này đã nghiên cứu phát triển một loại vaccine dạng hít.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định sẽ không có vaccine thế hệ thứ 2 nào ra mắt trước đầu năm 2022.

Phần lớn các công ty đầu tư vào vaccine COVID-19 đều dự đoán rằng các mũi tiêm nhắc lại sẽ là cần thiết.

Stanley Erck, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Novavax, cho biết các nghiên cứu thử nghiệm của công ty ông trên khỉ cho thấy việc tiêm liều nhắc lại một năm sau khi tiêm vaccine ban đầu mang lại "kết quả đáng kinh ngạc".

Tiến sĩ Paul Offit - Giám đốc Trung tâm Giáo dục vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia - cho biết đại dịch COVID-19 sẽ chấm dứt nhưng virus SARS-CoV-2 có thể sẽ tồn tại vô thời hạn giống như bệnh cúm. Để tìm hiểu khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra kéo dài bao lâu, các nhà nghiên cứu thường xem xét các kháng thể trong máu. Tiến sĩ Betty Diamond, một nhà miễn dịch học tại Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstein ở New York, cho hay hệ thống miễn dịch có tuyến phòng thủ thứ hai, được gọi là tế bào T, không dễ nghiên cứu.

Một số công ty, trong đó có Moderna và Pfizer, đã bắt tay vào thử nghiệm để tìm ra kết quả liệu xem những người được tiêm thêm 1 mũi nhắc vaccine ban đầu có khả năng miễn dịch tốt hơn không.

Trong khi đó, công ty dược phẩm Đức CureVac đang thử nghiệm vaccine thế hệ thứ 2 dựa trên công nghệ mRNA có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch cao hơn vaccine đầu tiên với liều lượng thấp hơn và không gặp các vấn đề về bảo quản lạnh. Mariola Fotin-Mleczek, trưởng bộ phận kỹ thuật của công ty, cho biết CureVac hy vọng loại vaccine này sẽ thu hút các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.

Một vài công ty cũng đang nghiên cứu các loại vaccine có thể đưa vào cơ thể người không qua đường tiêm.

Theo các chuyên gia, vaccine dạng xịt xâm nhập vào cơ thể qua mũi, sau đó đi vào đường hô hấp. Chất nhầy có sẵn trong bộ phận này sẽ hình thành cái gọi là khả năng miễn dịch niêm mạc và ngăn ngừa virus.

Altimmune cho biết vaccine dạng xịt có khả năng tránh được các tác dụng phụ khi tiêm vaccine vào bắp tay như sốt và đau nhức cơ bắp. Chuyên gia Roberts lý giải trong các cuộc thử nghiệm vaccine dạng xịt, tác dụng phụ nhẹ đến mức không có sự khác biệt giữa vaccine hoạt tính và giả dược nước muối.

Ngoài ra, vaccine dạng xịt của công ty Altimmune không yêu cầu bảo quản trong nhiệt độ đông lạnh nên thích hợp cho các quốc gia không dư dả nguồn tài chính.

Công ty dự kiến công bố dữ liệu thử nghiệm giai đoạn đầu vào tháng tới và nếu mọi việc suôn sẻ, sẽ nộp đơn xin phê duyệt của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) vào đầu năm sau.

Theo TTXVN/Báo Tin tức