Hội nghị trực tuyến tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Ngày 3-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19. Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì cuộc họp. Tham dự tại điểm cầu tỉnh ta có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực Châu Á ước tăng 18,2%, đạt 8,05 tỷ USD; Châu Mỹ tăng 56,7%, đạt 4,73%; Châu Phi tăng 11,8%, đạt 249 triệu USD; Châu Đại Dương tăng 29,2%, đạt 239 triệu USD; xuất khẩu sang khu vực Châu Âu xấp xỉ bằng với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,72 tỷ USD.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi và kiến nghị những giải pháp: Xử lý vướng mắc kỹ thuật như quy trình kiểm dịch động vật, thực vật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc…đối với nông sản của thị trường xuất khẩu; giải quyết khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp khi các địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, cần mở rộng thị trường, cung cấp thông tin rào cản thương mại tại các thị trường nhập khẩu; điều chỉnh sản xuất nông sản, tăng chế biến, bảo quản, lưu thông linh hoạt để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; hỗ trợ chính sách thuế, tín dụng, chế biến bảo quản xuất khẩu nông sản; thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic; thúc đẩy toàn diện tiêu thụ trong nước…

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các cơ quan chức năng thuộc bộ, địa phương cần bám sát chỉ đạo sản xuất theo mùa vụ, theo dõi sát sao tình hình dịch COVID-19, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT bố trí cán bộ trong hoạt động kiểm dịch động vật, thực vật, hỗ trợ giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp; đồng thời tham mưu bộ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật trong tiêu thụ nông sản; tham mưu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Các cơ quan chức năng thuộc bộ, các Hiệp hội chủ động hướng dẫn quy định, quy trình cụ thể trong tiêu thụ nông sản của các địa phương; Trung tâm xúc tiến thương mại của bộ tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản; tổ chức các hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu về nguồn cung, bao gồm sản lượng, chất lượng, thời điểm thu hoạch, truy xuất nguồn gốc thường xuyên để các cơ quan chức năng có kế hoạch nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Đối với các địa phương cần có kế hoạch sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.