Trong tuần, một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu giá vẫn giữ mức ổn định.
Lượng rau, củ, quả về các chợ nhiều về số lượng lẫn chủng loại: đó là khoai tây, cà rốt, su hào, bắp cải, súp lơ xanh… giá trung bình từ 16.000 - 22.000 đồng/kg. Rau xanh các loại như rau cải, mồng tơi, tần ô có mức giá từ 12.000-14.000 đồng/kg. Trong tuần, đúng vào dịp lễ Phật Đản nên thực phẩm chay được bày bán khá nhiều, nhất là đậu hũ, chả lụa chay… Ngoài ra, còn có nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, nấm bào ngư, nấm kim châm, nấm đùi gà… Giá dao động của các loại nấm từ 30.000-150.000 đồng/kg.
Tuần này, giá bán các mặt hàng xăng dầu thị trường được giữ nguyên, cụ thể như sau: Giá xăng E5 RON 92 là 18.420 đồng/lít; giá xăng RON 95-III ở mức 19.530 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giá 14.770 đồng/lít; dầu hỏa là 13.820 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S là 14.270 đồng/kg.
Khách hàng lựa chọn hàng hóa tại Siêu thị Coop Mart Thanh Hà. Ảnh: Phan Bình
Giá vàng hôm nay tiếp tục đi lên khi USD còn suy yếu, các quỹ đầu tư và nhiều ngân hàng trung ương tăng mạnh số lượng vàng nắm giữ. Vào lúc 8 giờ sáng ngày 27-5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới hiện đang ở mức 1.907 USD/ounce, tăng thêm 7 USD/ounce sau khi đã tăng 20 USD/ounce trong phiên giao dịch trước. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.906 USD/ounce. Giá vàng thế giới cao hơn khoảng 25,1% (382 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 53,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 2,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước. Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mốc 56,15 -56,6 triệu/lượng (mua vào-bán ra).
Cùng ngày, tỷ giá đồng USD trên thị trường quốc tế lần đầu tiên tuần này tăng nhẹ trước bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ được giữ ổn định. Ngược lại, đồng bảng Anh và EUR lại giảm nhẹ. Tỷ giá mua vào - bán ra là 22.920 - 23.150 đồng/USD; tỷ giá EUR mua vào-bán ra là 27.256-28.680 đồng/eur; tỷ giá Bảng Anh mua vào-bán ra là 31.710-33.035 đồng/£…
T.Trang