Cảnh giác với hành vi lừa đảo “phạt nguội” nhằm chiếm đoạt tài sản

Thời gian gần đây, lợi dụng việc có nhiều phương tiện giao thông bị hệ thống giám sát camera giao thông phát hiện vi phạm, xử lý bằng hình thức “phạt nguội”, đối tượng tội phạm giả danh lực lượng công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tải sản của chủ phương tiện.

Đầu tháng 5 vừa qua, anh N.V.Đ, tài xế xe khách chạy tuyến Phan Rang – Tp. Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Người gọi tự xưng là CSGT, vừa phát hiện anh lái xe vi phạm trên tuyến QL1A đoạn qua huyện Ninh Phước với lỗi vượt đèn vàng, không chấp hành tín hiệu giao thông. Lỗi này phải nộp phạt 4 triệu đồng và tước bằng lái xe 2 tháng. Nếu muốn nhẹ tội thì chuyển cho người này 2 triệu đồng để lo liệu, tránh rắc rối sau này. Lo sợ bị giữ bằng lái, anh N.V.Đ cả tin nghe theo. Rất may, khi đang chuẩn bị chuyển tiền cho đối tượng, anh được người thân cảnh báo, nhắc nhở kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền. Nghi ngờ bị lừa, anh N.V. Đ đã hẹn đối tượng gặp trực tiếp để đưa tiền mặt. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đối tượng không liên lạc và hẹn gặp để nhận tiền.

Lực lượng CSGT, Công an tỉnh vận hành hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ.

Theo lực lượng chức năng, tình trạng lừa đảo này đã xuất hiện tại một số địa phương trong thời gian gần đây. Nhất là khi hệ thống camera giám sát giao thông trên tuyến QL1A đoạn qua địa phận Ninh Thuận được đưa vào sử dụng để xử lý “phạt nguội” các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TTATGT đường bộ như: Chạy quá tốc độ quy định, dừng đỗ xe không đúng quy định, lấn làn, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông… Các đối tượng đã sử dụng điện thoại, giả danh lực lượng CSGT, cơ quan bưu điện…gọi điện đến người dân để thông báo vi phạm giao thông và yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn của chúng để chiếm đoạt tài sản. Khi tiếp nhận thông tin, người dân thường hoang mang, lo sợ, cung cấp các thông tin cá nhân theo đối tượng yêu cầu như: Kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có, số tiền gửi trong tài khoản ngân hàng để chuyển vào số tài khoản của đối tượng, hoặc cung cấp mã OTP chuyển tiền vào tài khoản của chúng để xác minh, điều tra xử lý “phạt nguội” rồi chiếm đoạt. Trước tình hình trên, công an các địa phương và lực lượng chức năng đã thông báo đến người dân, nhằm khuyến cáo, tuyên truyền để phòng ngừa, nâng cao cảnh giác.

Theo Thượng tá Đào Nguyên Tính, Trưởng Công an huyện Ninh Phước, các trường hợp bị xử lý “phạt nguội” liên quan đến giao thông đều có thông báo vi phạm của cơ quan chức năng đến chủ phương tiện, hoặc người điều khiển. Khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện mang đầy đủ giấy tờ cần thiết đến trụ sở công an làm việc. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao cảnh giác đối với loại tội phạm này, không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, chứng minh nhân dân, số điện thoại; thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng với bất kỳ hình thức nào để tránh bị lừa đảo. Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, cần thông báo, phối hợp với lực lượng chức năng để theo dõi, xử lý, phòng ngừa đấu tranh với loại tội phạm này.