Khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU và Chương trình hành động số 134-CTr/TU về phát triển du lịch

Ngày 6-5, Đoàn khảo sát số 2 do đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Huyện ủy Bác Ái về kết quả thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch (DL) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình hành động số 134-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU và Chương trình hành động số 134-CTr/TU đề ra, Huyện ủy, UBND Bác Ái đã xây dựng các kế hoạch về phát triển DL và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thu hút khách DL đến tham quan, trải nghiệm. Trong đó, Bác Ái đưa vào triển khai Đề án Bảo tồn phát huy các giá trị bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển DL giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển DL cộng đồng thí điểm trên địa bàn xã Phước Bình, giai đoạn 2019-2022. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá các điểm DL trên các phương tiện thông tin đại chúng và xúc tiến đầu tư DL. Các tuyến đường kết nối các điểm DL được quan tâm đầu tư nâng cấp. Đến nay, trung bình mỗi năm, Bác Ái đón từ 6.000-8.000 lượt khách, đóng góp nguồn thu cho các hộ kinh doanh dịch vụ trên 1,5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời quảng bá, nâng cao giá trị một số sản phẩm đặc thù địa phương.

Đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khảo sát làng du lịch cộng đồng thôn Hành Rạc 2, xã Phước Bình.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của huyện Bác Ái trong đẩy mạnh phát triển DL dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó điểm sáng là phát triển DL cộng đồng. Trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu huyện tiến hành quy hoạch chi tiết về phát triển DL gắn với quy hoạch sử dụng đất. Khai thác thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai để phát triển loại hình DL trải nghiệm, DL cộng đồng. Đề xuất các cơ chế xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển DL. Tăng cường công tác quảng bá và tạo ra các sản phẩm DL có tính khác biệt, độc đáo mang bản sắc riêng.

Trước đó, đoàn đã đến khảo sát trang trại nuôi cá tầm, Di tích bẫy đá Pi Năng Tắc, làng DL cộng đồng thôn Hành Rạc 2 và thác Gia Nhông – Đá Bàn, thuộc xã Phước Bình.