Để triển khai hiệu quả công tác GN theo hướng đa chiều, tỉnh tập trung xây dựng chương trình GN gắn kết chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư trọng điểm vào các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu về điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo chuẩn nghèo đa chiều.
Nhờ tỉnh đầu tư kênh mương nội đồng để sản xuất nông nghiệp nên đời sống người dân ngày càng ổn định, phát triển. Ảnh:Văn Nỷ
Các chính sách GN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tăng cường hỗ trợ người nghèo toàn diện như: Chính sách y tế, giáo dục, nhà ở, ưu đãi tín dụng, khuyến nông, khuyến ngư và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo… Trong giai đoạn 2016-2020, kinh phí thực hiện Chương trình GN hơn 1.639,45 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho 68.836 lượt hộ được vay vốn, với tổng số dư nợ 312,44 tỷ đồng; thực hiện cho 11.862 hộ vay vốn để xây dựng nhà vệ sinh và lắp đặt công trình nước sạch; cấp, phát miễn phí 915.605 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho các đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống vùng khó khăn và người sống vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển và người thuộc hộ cận nghèo (HCN); bên cạnh đó, tỉnh cho chủ trương hỗ trợ 30% mức mua thẻ BHYT cho HCN sau khi được trung ương hỗ trợ 70%.
Cùng với đó, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được các doanh nghiệp, nhà tài trợ và nhân dân quan tâm, hưởng ứng. Đề án 406 “Hỗ trợ đồng bào Bác Ái thoát nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020 và các Chương trình hỗ trợ bò sinh sản đã mang lại hiệu quả góp phần GN bền vững cho các hộ nghèo (HN) ở các địa phương. Công tác trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt trên cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội không ngừng mở rộng, bao phủ các nhóm đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người già; hỗ trợ không chỉ người nghèo mà còn mở rộng sang các đối tượng khác. Nhờ đó, công tác GN đã đạt được hiệu quả tích cực. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ HN còn 5,74%; đời sống Nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được thực hiện tốt hơn.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu: Giảm từ 1,5% đến 2% HN; không còn HN có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công; 100% HN tham gia BHYT, 92% HCN trở lên tham gia BHYT; thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách đối với HN, HCN và các đối tượng khó khăn khác.
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh đưa ra các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu GN bền vững; tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác GN bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu GN bền vững, góp phần tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong triển khai thực hiện mục tiêu GN. Kịp thời tham mưu triển khai các văn bản quy định về các chính sách, chương trình GN năm 2021. Làm tốt công tác tổng điều tra, rà soát HN, HCN theo chuẩn mới cho giai đoạn 2022-2025; kết quả rà soát đảm bảo đúng thực chất, không chạy theo thành tích để việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho HN, HCN đúng đối tượng, sát thực tế, hiệu quả và đúng quy định.
Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các HN, HCN vay vốn phát triển sản xuất; chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi được đào tạo. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư và thực hiện chính sách GN và an sinh xã hội bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng Nông thôn mới phải gắn với GN và an sinh xã hội bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huy động nguồn lực toàn xã hội và sự ủng hộ của các tổ chức trong và ngoài nước trong công cuộc hỗ trợ người nghèo trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các chương trình, mô hình GN và an sinh xã hội trong bối cảnh mới, nhất là mô hình giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, chống tái nghèo; mô hình GN, phát triển KT-XH tại các xã nghèo vùng dân tộc thiểu số, xã bãi ngang ven biển gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.
Bình An