Vừa chặn nguy cơ xâm nhập dịch từ bên ngoài vừa phải khẩn trương, quyết liệt dập dịch ở bên trong
Tại Việt Nam, sau hơn 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc tại cộng đồng, thì tới ngày 1-5 đã ghi nhận 13 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch tại tỉnh Hà Nam. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao. Thực tế cũng cho thấy nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, nhất là trong khâu quản lý, giám sát y tế trong và sau cách ly tập trung đối với bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch ở tỉnh Hà Nam từ ngày 29-4.
Như vậy, ở thời điểm này, chúng ta vừa phải chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài vừa phải khẩn trương, quyết liệt dập dịch ở bên trong.
Với xâm nhập từ bên ngoài, tình hình dịch COVID-19 ở các nước láng giềng vẫn rất phức tạp; trong khi kiểm soát biên giới gặp nhiều khó khăn. Trong nước, từ ca bệnh 2899 cho thấy sự chủ quan xuất hiện ở không ít người, không ít địa phương. Với người dân không thực hiện khai báo y tế khi cần thiết, nhiều người không đeo khẩu trang, không dùng nước sát khuẩn, vẫn tụ tập đông người.
Du lịch lại đang vào mùa. Chính quyền nhiều địa phương lơi lỏng, chủ quan. Kể cả y tế địa phương cũng có biểu hiện lơi lỏng, mất cảnh giác.
Những ngày nghỉ lễ đang trôi qua nhưng nỗi lo thì vẫn còn đó. Nếu không lập tức siết chặt thì tai họa có thể ập tới bất cứ lúc nào.
Phân cấp triệt để cho các cấp, các ngành chủ động, sáng tạo
Trước diễn biến mới, phức tạp hơn của dịch COVID-19, hôm qua 2-5-2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn về phòng chống COVID-19. Cuộc họp nhằm tiếp tục đánh giá lại tình hình tổ chức thực hiện việc phòng chống dịch thời gian qua, trong đó nêu rõ nguyên nhân chủ quan và xem xét trách nhiệm cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân đã lơ là, chủ quan, làm chưa nghiêm các quy định về phòng chống dịch; bởi nếu không xử lý nghiêm minh, sẽ tiếp tục dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Bên cạnh đó, cuộc họp thảo luận các giải pháp hiệu quả tiếp theo cần tập trung thực hiện để đẩy lùi, ngăn ngừa dịch bệnh tốt hơn.
Lưu ý các cấp ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm ý kiến của Chủ tịch nước ngày 30-4, trong đó đặc biệt phải kích hoạt mọi phương án phòng chống dịch, để sẵn sàng phát hiện nhanh, thần tốc khoanh vùng và bao vây dập dịch… theo Thủ tướng, tinh thần là phân cấp triệt để cho các cấp, các ngành chủ động, sáng tạo, phát huy hết năng lực, sở trường cũng như điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phòng chống dịch và khắc phục hậu quả một cách hiệu quả nhất; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường phân cấp, giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng.
Thủ tướng cũng nêu rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt cần biểu dương, khen thưởng kịp thời; còn ở đâu, khâu nào, cá nhân nào chưa làm đúng thì cần xử lý nghiêm theo quy định. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu TP.Đà Nẵng, các tỉnh Hà Nam, Yên Bái rà soát lại, căn cứ vào hậu quả xảy ra để tập trung kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, kể cả áp dụng biện pháp xử lý hình sự. “Có bệnh thì được chăm lo, điều trị kịp thời, cứu người là chính, bảo đảm nhân văn nhưng cũng cần xem xét, xử lý nghiêm minh trách nhiệm theo quy định”, Thủ tướng nói.
Các giải pháp ngày càng hoàn thiện
Qua các đợt dịch, các giải pháp ngày càng được hoàn chỉnh, hoàn thiện, triển khai bài bản hơn trong thực tế. Có chiến lược đúng đắn, giải pháp phù hợp chưa đủ, một “bí quyết” của Việt Nam là triển khai quyết liệt, nhất quán, đồng bộ chiến lược, giải pháp đó khi xảy ra tình huống dịch.
Nhìn lại những chỉ đạo liên tiếp gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, có thể khẳng định, tình hình dịch bệnh hiện nay là tình huống đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự kiến, trong bối cảnh làn sóng COVID-9 đang hoành hành dữ dội ở nhiều nước láng giềng và trong khu vực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sẵn sàng ở mức cao nhất để phòng chống dịch theo tinh thần bất luận tình huống nào cũng sẵn sàng các kế hoạch để ứng phó.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh.
Tại tất cả các cuộc họp với các bộ, cơ quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhắc tới yêu cầu nâng cao cảnh giác, quyết liệt triển khai giải pháp phòng chống dịch. Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp kiểm tra công tác chống dịch tại các tỉnh biên giới Tây Nam và TP Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia đã yêu cầu các bộ, cơ quan sẵn sàng đáp ứng tình huống dịch bùng phát, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người mắc bệnh…
Trước đó, trong 1 tháng qua, Ban Bí thư đã có Công điện chỉ đạo; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã luôn tập trung lãnh đạo, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quyết liệt công tác phòng chống dịch COVID-19 (Điện ngày 27-4-2021 của Thường trực Ban Bí thư; Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16-4-2021 của Chính phủ; Công điện số 540/CĐ-TTg và số 541/CĐ-TTg ngày 23-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 81/TB-VPCP ngày 26-4-2021 và số 82/TB-VPCP ngày 29-4-2021 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ).
Cùng với chiến lược vaccine đang được Chính phủ tích cực triển khai với quyết tâm cao nhất, mỗi người trong gần 100 triệu đồng bào cần gác lại những thói quen bình thường trong điều kiện cũ nhưng không còn phù hợp trong bối cảnh mới, mà trước hết là hạn chế tụ tập đông người, thực hiện nghiêm túc 5K…
Kinh nghiệm một năm rưỡi kiên cường phòng chống dịch của Việt Nam cho thấy càng về sau, các đợt dịch càng khó khăn, phức tạp hơn, thời gian khống chế lâu hơn, song chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng vẫn có thể xử lý tốt tình hình.
Theo TTXVN