Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng, phấn đấu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 17-18%/năm. Tập trung phát triển công nghiệp năng lượng, cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ; xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước. Để hoàn thành mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) để tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tại xã Phước Hòa (Bác Ái). Ảnh: V.M
Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp trong tháo gỡ khó khăn triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, các ngành, các cấp đã kịp thời khai thông điểm nghẽn bế tắc lâu nay. Điển hình như dự án Serort Spa nho - Trang trại trồng nho - Nhà máy rượu vang nho ở thôn Mỹ Hòa, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), dự án Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark ở xã Phước Dinh (Thuận Nam) được tái khởi động sau nhiều năm triển khai không được cho thấy dù khó khăn đến đâu nhưng có sự đồng thuận của Nhân dân, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ thì không thể ngăn cản được khát vọng vươn lên.
Nhìn lại công tác GPMB triển khai các dự án thấy được cách làm đã có sự đổi mới, sáng tạo và quyết liệt, đảm bảo quyền lợi hài hòa cho Nhân dân, doanh nghiệp và sự phát triển của tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao năng lực của lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, kiến nghị của doanh nghiệp để từ đó đề ra giải pháp hữu hiệu nhất nhằm đẩy nhanh GPMB dự án. Kết quả đạt được là đáng ghi nhận, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai hàng loạt dự án trọng điểm ở lĩnh vực lợi thế như: Năng lượng tái tạo, cảng biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao…
Người dân cả tỉnh đang rất tự hào chứng kiến sự phát triển vượt bậc của tỉnh nhà trong những năm gần đây. Và ngay trong tháng Tư lịch sử này, thiết thực chào mừng kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 29 năm tái lập tỉnh, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm như: hồ Sông Than. Cảng Cà Ná, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ…, tạo khí thế thi đua lao động sản xuất sôi nổi.
Công trường xây dựng Cảng tổng hợp Cà Ná (Thuận Nam) với tổng trị giá đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng. Ảnh: Phan Bình
Trong niềm huân hoan thắng lợi, chúng ta không quên nhiệm vụ phía trước cũng rất nặng nề, đòi hỏi các ngành, các cấp phải nỗ lực hơn nữa. Có một số công trình, dự án triển khai theo nội dung Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, phải hoàn thành trước khi Nghị quyết hết hiệu lực vào năm 2023, nhưng hiện vẫn còn vướng mắc do một số hộ chưa chấp hành bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công công trình.
Đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác GPMB các dự án, tại phiên họp triển khai nhiệm vụ quý II-2021 do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, các sở, ngành, địa phương phân tích rõ thực trạng dẫn đến hiệu quả công tác GPMB chưa được như mong đợi. Nguyên nhân chậm tiến độ GPMB có nhiều, nhưng chủ yếu là bắt nguồn từ nhận thức chưa đúng của một bộ phận người dân có đất nằm trong diện bồi thường, giải tỏa và một số quy định về công tác bồi thường, GPMB chưa thực sự hợp lý. Trên cơ sở đó, phiên họp đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm nhanh chóng khắc phục những hạn chế, thiếu sót, quyết tâm lấy công tác GPMB làm đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, tăng tốc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm năm 2021, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác GPMB để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục các dự án trọng điểm, tiến độ thi công các dự án cấp bách, nhất là 4 công trình trọng điểm vốn ngân sách nhà nước năm 2021, gồm: Hồ chứa nước Sông Than; Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; Đường đôi vào hai đầu Tp. Phan Rang - Tháp Chàm (đoạn phía Nam); Kênh chuyển nước Tân Giang - Sông Biêu.
Từ nhận diện được những thách thức đặt ra trong bối cảnh của năm 2021, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn được quan tâm sát sao, với tinh thần quyết liệt hơn. Quyết tâm này được thể hiện bằng những giải pháp linh hoạt, phù hợp, tạo động lực thôi thúc các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh cùng hành động, hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Anh Tùng