Chưa phát huy được lợi thế
Trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, ngành logistics Việt Nam đang đối mặt với thách thức cũng như cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tại Hội nghị logistics Việt Nam 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh: "Logistics không chỉ là ngành dịch vụ mà còn là trụ cột trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt khi chúng ta phải đối diện với những khó khăn từ căng thẳng địa chính trị, thiên tai và các biến động kinh tế toàn cầu".
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại Hội nghị logistics Việt Nam 2024.
Năm 2023, giá trị thị trường logistics Việt Nam ước đạt khoảng 40 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 14 - 15%, đóng góp khoảng 4 - 5% GDP. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, khiến nền kinh tế chịu áp lực lớn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, cho biết: "Để bứt phá, chúng ta cần vượt qua không chỉ các thách thức về hạ tầng mà còn phải đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển xanh bền vững".
Trong phiên thảo luận “Đối diện những thách thức mới”, Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort nêu rõ, tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, biến đổi khí hậu và các yêu cầu ngày càng khắt khe về giảm phát thải đã thúc đẩy sự dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo đó, ASEAN đang trở thành trung tâm sản xuất mới với dòng vốn FDI vào khu vực, đạt 236 tỷ USD năm 2023, tăng mạnh so với mức trung bình 190 tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2022.
Lợi thế của ngành logictics Việt Nam là có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, tiếp giáp với Trung Quốc và có đường bờ biển dài, thuận lợi cho hoạt động logistics. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thiếu các trung tâm logistics kết nối với cảng biển và sân bay lớn. “Do vậy, việc hình thành các hành lang vận tải đa phương thức là cấp thiết”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.
Theo thống kê, ngành logistics Việt Nam hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phụ thuộc lớn vào vận tải đường bộ và thiếu hụt các cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng nước sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Một trong những rào cản lớn mà Việt Nam phải đối mặt là chi phí logistics cao, chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản phẩm. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, để tăng sức cạnh tranh của Việt Nam, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành để đưa ra các giải pháp đột phá cho ngành logictics.
Bên cạnh đó, vấn đề nguồn nhân lực logistics vẫn còn thiếu hụt, đặc biệt là những lao động có trình độ cao về công nghệ. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) và dữ liệu lớn (Big Data) vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi. Thứ trưởng Đỗ Thành Trung khẳng định, cần nâng cao trình độ nguồn nhân lực và đầu tư vào công nghệ để bắt kịp xu hướng toàn cầu.
Đẩy nhanh chuyển đổi số và công nghệ
Chuyển đổi số là chủ đề chính trong phiên thảo luận thứ hai, với sự tham gia của các đại diện doanh nghiệp lớn trong ngành như Viettel Post, Gemalink, DSV Air & Sea và Cathay Pacific. Các chuyên gia đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel Post cho rằng: "Đầu tư vào dữ liệu và công nghệ sẽ giúp cải thiện năng suất và giảm thiểu chi phí. Việc xây dựng một nền tảng dữ liệu số hóa cho phép các doanh nghiệp logistics có thể dự báo và thích ứng tốt hơn với các biến động".
Toàn cảnh Hội nghị logistics Việt Nam 2024.
Ngoài ra, theo ông Đinh Thanh Sơn, các doanh nghiệp logistics cũng cần nhanh chóng thích ứng với các công nghệ tiên tiến để giữ vững thị trường. Một trong những ứng dụng nổi bật là robot kho hàng và hệ thống quản lý hàng tồn kho tự động, giúp tối ưu hóa quy trình làm việc và giảm thời gian hoàn thành đơn hàng. Đây là một trong các giải pháp mà Việt Nam SuperPort đang triển khai.
Không chỉ chuyển đổi số, các diễn giả cũng đề cập đến phát triển xanh bền vững như một mục tiêu quan trọng của ngành logistics. Theo đó, Việt Nam đang triển khai các biện pháp để cắt giảm khí nhà kính và tiến tới Net Zero vào năm 2040. Cảng logistics Việt Nam SuperPort đã đặt mục tiêu trở thành cảng đa phương thức đầu tiên tại Đông Nam Á đạt Net Zero, ứng dụng các công nghệ tiên tiến và giải pháp phát triển bền vững để nâng cao năng lực cạnh tranh của chuỗi cung ứng trong khu vực.
Theo ông Lê Trọng Minh, con đường phát triển bền vững không chỉ dựa vào tiềm năng, mà còn là quá trình chuyển đổi mạnh mẽ để ngành logistics của Việt Nam có thể cạnh tranh toàn cầu, thích ứng linh hoạt trước những biến động không ngừng.
Tại hội nghị, các diễn giả cũng đã chỉ ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy ngành logistics Việt Nam, bao gồm: Xây dựng khung chính sách hỗ trợ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics, đầu tư vào nguồn nhân lực và phát triển các trung tâm logistics chiến lược. Các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện đồng bộ các giải pháp này. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết, liên doanh để mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh là cần thiết.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng như hệ thống cảng biển, đường bộ và cảng hàng không sẽ góp phần không nhỏ trong việc tăng cường kết nối và giảm chi phí logistics. Các diễn giả cũng kêu gọi Chính phủ hỗ trợ các chính sách khuyến khích chuyển đổi số, giảm chi phí và xây dựng nền tảng công nghệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành.
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng để trở thành trung tâm logistics của khu vực nếu vượt qua các thách thức về hạ tầng và nguồn nhân lực. Để làm được điều đó, không chỉ có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ mà còn cần sự nỗ lực từ các doanh nghiệp để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi số.
Hội nghị là minh chứng cho quyết tâm của Việt Nam trong việc nâng cao năng lực logistics, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động. Cuộc cách mạng logistics này không chỉ là nhiệm vụ của các doanh nghiệp trong ngành mà còn là cơ hội cho mọi thành phần kinh tế cùng tham gia để tạo nên một nền kinh tế bền vững, hiệu quả và linh hoạt.
Hội nghị logistics Việt Nam 2024 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá” do Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút hơn 300 khách mời là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải và các chuyên gia trong ngành, các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics, các doanh nghiệp sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau hiện đang thuê nhà xưởng và kho bãi, các đơn vị tư vấn hàng đầu về logistics và chuỗi cung ứng…
Hội nghị có 2 phiên thảo luận chuyên sâu về những vấn đề cấp bách nhất của ngành như hiện đại hóa hạ tầng logistics, tăng cường kết nối giao thông, đảm bảo các biện pháp ứng phó trước các thách thức thay đổi trong hoàn cảnh mới; tái cấu trúc chuỗi cung ứng hướng tới phát triển xanh bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển hạ tầng thông minh. Cụ thể, tại phiên 1 với chủ đề “Đối diện những thách thức mới”, tập trung thảo luận những thách thức và cơ hội cho ngành logistics trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến động kinh tế. Phiên 2 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá”, tập trung thảo luận những vấn đề như chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầngthông minh, và tái cấu trúc chuỗi cung ứng gắn với phát triển xanh, bền vững.
Bên lề hội nghị, ban tổ chức cũng dành không gian cho các hoạt động giới thiệu các công nghệ, dịch vụ và giải pháp logistics mới, kết nối đầu tư, gặp gỡ các doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ thông tin, tìm kiếm đối tác.
Theo baotintuc.vn.