Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá toàn diện cả về quy mô, năng suất và sản lượng; cơ cấu ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng giá trị; từng bước hình thành một số cánh đồng lớn, vùng chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến, bước đầu hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại như: Việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chỉ mới bước đầu, quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư làm hạt nhân. Để tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở tầm cao hơn, đảm bảo các tiêu chí quy định, UBND tỉnh tham mưu Tỉnh ủy xây dựng dự thảo Nghị quyết.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Theo đó, Dự thảo Nghị quyết xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Dự thảo Nghị quyết đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 3-5 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đáp ứng các tiêu chí công nhận với tổng diện tích 1.000 ha. Hỗ trợ tạo điều kiện để hình thành 2-3 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC tại địa phương. Từng bước nâng cao năng suất, chất lượng nông sản trên diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, hiệu quả vượt trội và có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh ít nhất có 30 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động có hiệu quả; giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trung bình đạt từ 500 triệu đồng trở lên. Sản lượng tôm giống đạt 50 tỷ con; chủ động khoảng 30% tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 40% tôm sú bố mẹ.
Giai đoạn 2025-2030, tiếp tục phát triển mở rộng các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh theo quy hoạch, phấn đấu đến năm 2030 có 8-10 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đáp ứng các tiêu chí công nhận, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt trên 3.000 ha; có từ 3-5 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC tại địa phương; thu hút ít nhất 5 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC hoặc doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động lĩnh vực nông nghiệp ngoài tỉnh làm hạt nhân để phát triển nông nghiệp trong tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có ít nhất 80 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC; giá trị sản xuất 1 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 1 tỷ đồng trở lên. Sản lượng tôm giống toàn tỉnh đạt trên 60 tỷ con; chủ động khoảng 60% tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 80% tôm sú bố mẹ…
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc xây dựng Nghị quyết là rất thiết thực, bởi phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là hướng đi tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu như Dự thảo Nghị quyết đề ra, theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cần phải làm rõ cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh làm đòn bẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, khuyến khích thu hút doanh nghiệp tham gia một cách mạnh mẽ. Đề nghị ngành chức năng tham mưu lượng hóa nội hàm nông nghiệp ứng dụng CNC, định hướng lựa chọn công nghệ, đối tượng ưu tiên cho phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Trên cơ sở các ý kiến tham gia đóng góp tại cuộc họp, các sở, ngành chức năng tiếp tục tham mưu hoàn thiện một số nội dung trong Dự thảo Nghị quyết đảm bảo tính khả thi để sớm trình Tỉnh ủy thông qua.
Anh Tùng