Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, an ninh lương thực, hạ tầng công nghệ thông tin... đồng thời, góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp, sinh học... Ngoài ra, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng, từng bước hình thành được một hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ ở các lĩnh vực, đặc biệt là việc xuất hiện một số viện nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ 4.0... Nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được tăng cường và bước đầu đã có sự kết nối giữa đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung, hiện đại, rộng khắp có kết nối với quốc tế đã được hình thành và phát triển.
Khách tham quan triển lãm các sản phẩm công nghệ tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2019 (Techfest 2019). Ảnh tư liệu: Minh Quyết/TTXVN
Có thể nói, đến nay, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ở Việt Nam đang trong quá trình hình thành và hoàn thiện. Chính phủ luôn nỗ lực thúc đẩy mối liên kết viện - trường - doanh nghiệp, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình đổi mới sáng tạo thông qua các chương trình khoa học và công nghệ. Đáng chú ý, hệ thống pháp luật về hoạt động sở hữu trí tuệ đáp ứng được hội nhập quốc tế, đảm bảo yêu cầu của các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia và nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò của sở hữu trí tuệ cũng ngày càng tăng thể hiện qua việc tăng trưởng số lượng nhãn hiệu, sáng chế được cấp đăng ký ngày càng cao...
Tuy nhiên, đánh giá dựa trên công cụ balanced scorecard cho thấy, hệ thống khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và tồn tại nhiều hạn chế như: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa đóng góp vào công tác xây dựng thể chế, hoạt động quản trị điều hành của Nhà nước một cách thông minh, còn khoảng cách so với các quốc gia phát triển khi thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đóng góp vào đời sống tinh thần, chất lượng môi trường, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tiếp cận tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Các chính sách pháp luật chưa đồng bộ với quy định về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chưa phù hợp với đặc thù hoạt động và chưa thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ: Hiện nay chưa có chính sách về đổi mới sáng tạo mà đang dùng chính sách khoa học và công nghệ để điều chỉnh hoạt động đổi mới sáng tạo, chưa có các quy định để thống nhất về nội hàm đổi mới sáng tạo, các chỉ tiêu thống kê về đổi mới sáng tạo. Các chính sách thuế cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa phù hợp, kém hiệu quả, chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tổng đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn thấp, đầu tư của khu vực tư nhân cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đáng kể, thiếu chính sách thu hút đầu tư. Ngoài ra, cơ cấu đầu tư cho khoa học và công nghệ giữa trung ương và địa phương và giữa các khu vực chưa hợp lý; thủ tục cấp phát kinh phí khoa học và công nghệ còn bất cập, giải ngân thấp; nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn yếu và thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển...
Tại toạ đàm, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng: Hệ thống công cụ balanced scorecard phân tích khá chi tiết, rõ ràng các điểm mạnh cũng như những hạn chế hiện trạng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, để hệ thống khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cần thay đổi tư duy, thay đổi cách tiếp cận hay chuyển đổi, tái cấu trúc lại cả hệ thống khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Ông Võ Trí Thành chỉ ra rằng, sự thay đổi có thể từ việc Việt Nam đặt hàng thế giới nghiên cứu cho Việt Nam những thứ Việt Nam cần hoặc có thể thuê người nước ngoài về Việt Nam làm việc và nghiên cứu cho Việt Nam...
Công cụ Balanced scorecard (BSC) - Thẻ điểm cân bằng - Công cụ chuẩn hóa giữa chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp được sử dụng bởi nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều loại hình khác nhau. Trên thực tế, đây là một mô hình quản trị chiến lược ở cấp độ cơ bản nhất, định hướng cho doanh nghiệp trong suốt quá trình thiết lập, triển khai, theo dõi và đo lường kết quả của chiến lược đặt ra. Bên cạnh yếu tố tài chính, BSC tập trung quan tâm tới ba thước đo phi tài chính khác có ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là khách hàng, quá trình hoạt động nội bộ, học tập và phát triển. Ý nghĩa "balanced" (cân bằng) của mô hình thể hiện ở chỗ cân đối giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tài chính và các yếu tố phi tài chính, các chỉ tiêu đầu vào và đầu ra của kết quả, các hoạt động hướng ra xã hội và các hoạt động được thực hiện vì nội bộ.
Thẻ điểm cân bằng là một hệ thống quản lý và lập kế hoạch chiến lược được sử dụng rộng rãi trong các tổ chức, chính phủ, ngành công nghiệp và kinh doanh trên toàn thế giới nhằm sắp xếp các hoạt động kinh doanh hướng vào tầm nhìn và chiến lược, cải thiện và giám sát hoạt động dựa trên các mục tiêu chiến lược. Balanced scorecard được chứng minh và bình chọn là một trong những ý tưởng kinh doanh có ảnh hưởng lớn và được đánh giá ở mức hiệu quả cực kỳ cao và rất cao bởi 73% doanh nghiệp áp dụng.
Theo TTXVN/Báo Tin tức