Theo quy hoạch, giai đoạn 2016-2020, tổng diện tích đất sản xuất muối toàn tỉnh 3.267 ha, tập trung tại 2 huyện Ninh Hải và Thuận Nam. Sản lượng muối sản xuất bình quân hàng năm từ 450.000 – 500.000 tấn/năm. Về sản xuất muối công nghiệp do Tập đoàn BIM và Công ty Muối Đầm Vua tự tổ chức sản xuất và tiêu thụ; hầu hết diện tích sản xuất muối công nghiệp đã được đầu tư hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất. Đối với muối diêm dân, tập trung trên địa bàn huyện Ninh Hải, có truyền thống sản xuất muối lâu đời, người lao động có nhiều kinh nghiệm sản xuất, có lực lượng lao động đáp ứng tốt nhu cầu của ngành muối trên địa bàn tỉnh với quy mô lớn. Đặc biệt, mô hình của HTX muối Khánh Nhơn và 2 Tổ hợp tác muối Tri Hải đã liên kết sản xuất và bao tiêu toàn bộ muối của các thành viên với giá cao hơn các nậu vựa. Đây là cơ sở để xây dựng cánh đồng lớn sản xuất muối thời gian tới. Tuy nhiên, sản xuất muối trong diêm dân còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Hạ tầng đồng muối Bắc Tri Hải và Nhơn Hải chưa được đầu tư (nguồn nước và đường giao thông); đa số sản xuất quy mô hộ cá thể, số lượng diêm dân tham gia HTX còn hạn chế; HTX muối Khánh Nhơn và 2 Tổ hợp tác muối Tri Hải thiếu kho bãi tập kết muối để phát triển dịch vụ tiêu thụ muối cho diêm dân ngoài HTX…
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng các thành viên trong đoàn tham quan và tìm hiểu về quy trình sản xuất ở Công ty Cổ phần sản xuất và chế biến Muối BIM.
Với mong muốn giai đoạn 2025-2030, toàn tỉnh duy trì ổn định 3.267 ha, sản lượng đến năm 2030 đạt 650.000 tấn/năm; đồng thời, định hướng muối diêm dân phát triển theo các liên kết cánh đồng lớn sản xuất muối do HTX làm nòng cốt và cung ứng các dịch vụ chung cho xã viên để hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, giúp diêm dân ổn định đầu ra và có thu nhập ổn định hơn, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tháo gỡ, chia sẻ những khó khăn, nhất là HTX diêm nghiệp. Cụ thể là hỗ trợ các hạng mục đường giao thông nối từ đường tỉnh lộ vào trung tâm vùng sản xuất muối; hệ thống trạm bơm nước mặn; tìm kiếm thị trường cho hạt muối…
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng: Để phát triển ngành muối, nghề muối bền vững, lâu dài, Ninh Thuận cần tính đến việc tổ chức lại sản xuất muối theo hướng đa dịch vụ, cơ giới hóa để giảm sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng. Tích cực kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối; nắm bắt thị trường, xác định nguồn nguyên liệu muối thị trường cần để có định hướng sản xuất mùa vụ phù hợp… Trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ xem xét, hỗ trợ Ninh Thuận xây dựng mô hình điểm sản xuất muối theo hướng đa dịch vụ, giảm lao động thủ công, tăng giá trị; xây dựng hạ tầng vùng sản xuất muối để giúp lưu thông hàng hóa được thuận tiện hơn nhằm hướng đến liên kết vùng, tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại cho ngành muối trong thời gian tới.
* Trước đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam và đoàn công tác đã đến thăm và tìm hiểu về tình hình hoạt động, quy trình sản xuất, chế biến muối ở Công ty Cổ phần sản xuất và chế biến Muối BIM; thăm mô hình sản xuất muối truyền thống, muối trải bạt tại xã Tri Hải (huyện Ninh Hải).
Xuân Nguyên