(NTO) Có thể nói, trong tháng 4-2011 thị trường cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng tiếp tục có những biểu hiện trái với quy luật chung đã được “thiết lập” từ nhiều năm qua, đó là giá cả hàng hóa tiêu dùng thường giảm sau Tết Nguyên đán mà không phải tăng với tốc độ “phi mã” như các tháng gần đây! Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao và đứng ở ngưỡng 3,49% so với tháng trước, cao hơn so với chỉ số tăng bình quân 3,32% của cả nước. Trong đó chỉ số nhóm hàng hóa tăng 4,07% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng 4,12%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm tăng 4,0%) và chỉ số nhóm dịch vụ tăng 1,95%. Từ thực tế nêu trên cho thấy so với tháng 12-2010 (tức là sau 4 tháng) chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 9,85% và nếu như so với cùng kỳ năm 2010 chỉ số tăng CPI đã lên đến 18,88%. Điều cũng đáng nói là trong “rổ” 11 nhóm hàng hóa chủ yếu kỳ này đều tăng. Trong tháng, tăng cao nhất là nhóm nhà ở và vật liệu liệu xây dựng với chỉ số tăng 7,61%, cao gần gấp đôi so với tháng 3 vừa qua.
Theo phân tích của giới chuyên môn, mặc dù giá thép đã được điều chỉnh giảm 300-500đ/kg từ đầu tháng 4-2011 nhưng giá xi-măng lại điều chỉnh tăng 150.000đ/tấn từ ngày 1-4. Do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao như giá xăng dầu, giá điện, giá than, lãi suất ngân hàng ...làm cho giá thành xi-măng tăng 22-30%, đó cũng chính là nguyên nhân để một số mặt hàng vật liệu xây dựng khác như giá các loại gạch, đá, cát … cũng tăng theo. Chỉ số giá điện và dịch vụ điện tăng 19,46%; Giá gas đun tăng 4,13%; Giá dầu hoả tăng 13,34%. Nhóm giao thông tăng 5,14%. Nguyên nhân, do giá nhiên liệu tăng 10,88% nên giá dịch vụ giao thông cũng tăng theo, trong đó giá tàu hỏa tăng 8,07%, giá xe buýt tăng 6,67%, giá taxi tăng 4,17% so với tháng trước. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nếu như trong tháng 3 tăng 2,15% thì sang tháng 4 đã tăng hơn gấp đôi, bằng 4,4%. Trong đó, giá lương thực chỉ tăng 1,76%, thấp hơn nhiều so với chỉ số tăng 5,82% của tháng trước, ngược lại giá các loại thực phẩm tháng trước chỉ tăng 0,54% thì tháng 4 đã đột biến tăng đến 5,52%. Nguyên do, giá thịt heo tăng 15,54%, giá thịt bò tăng 6,49%, thịt gia cầm tăng 2,96%, giá các loại thịt chế biến tăng 11,68%, giá các loại trứng tăng 5,74%; dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 8,08%; thủy sản tươi sống tăng 1,61%, rau tươi, khô và chế biến tăng 3,79%… nên đã “góp gió thành bão” đẩy nhóm hàng này tăng cao. Do giá lương thực-thực phẩm đồng loạt tăng nên ăn uống ngoài gia đình cũng tăng 3,35% so với tháng trước. Bên cạnh đó, nhóm may mặc cũng tăng 2,17%, chủ yếu là đồ may sẵn tăng 3,99%, dịch vụ may mặc tăng 1,7% do nguyên liệu đầu và chi phí vận chuyển tăng cộng với ảnh hưởng của tỷ giá ngoại tệ tăng nên tác động đến giá bán của các mặt hàng may sẵn có xuất xứ nhập khẩu tăng cao.
Nhóm thiết bị đồ dùng gia đình được xem là tăng không đáng kể với chỉ số 0,27%, nhóm này tăng chủ yếu là đồ dùng trong gia đình tăng. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,13% chủ yếu là dịch vụ khám sức khoẻ tăng 1,46%. Chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,93%. Nhóm giáo dục tăng 0,68%, bưu chính-viễn thông vẫn giữ ở mức ổn định và tăng nhẹ. Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,60%.
Điều cũng đáng được ghi nhận là qua thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11 của Chính phủ nên so với tháng trước chỉ số giá vàng giảm 1,29%, chỉ số giá đô-la Mỹ giảm 2,8.
Mặc dù trên thị trường nguồn cung hàng hóa nhìn chung đã đáp ứng đủ nhu cầu nhưng do giá cả tăng cao nên thị trường có phần kém sôi động bởi sức mua thấp. Điều này thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 chỉ tăng 3,6%, thấp hơn so với bình quân chung 9,12% của quý I.
Theo dự báo, trong tháng 5 tốc độ tăng giá tiêu dùng sẽ được khống chế và đẩy lùi dần. Một trong những nguyên nhân cơ bản là các giải pháp thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã phát huy tác dụng.Tuy nhiên, để kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường cùng với việc khuyến khích sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí… các ngành chức năng liên quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá nhằm tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá.
Tuấn Dũng