Ngành Kiểm sát tập trung tổ chức thi hành các đạo luật về tư pháp mới được ban hành. Những nhiệm vụ, khối lượng công việc rất lớn trong bối cảnh ngành Kiểm sát đang thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chia sẻ với áp lực của ngành Kiểm sát trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ khóa XIV. "Viện Kiểm sát trong thời gian vừa qua áp lực rất lớn. Một là, những quy định mới của pháp luật về tăng thẩm quyền, về mở rộng phạm vi kiểm sát, phạm vi xét xử. Hai là việc áp dụng những quy định mới trong các luật tố tụng về giám sát chặt chẽ hoạt động điều tra ngay từ đầu, vấn đề tham gia giám sát, điều tra, hỏi cung, ghi âm, ghi hình... Ba là số lượng án ngày càng tăng; hành vi phạm tội, thủ đoạn phạm tội càng ngày càng xảo quyệt. Các băng nhóm phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia càng ngày càng lớn và những tội phạm mới cũng phát sinh nhiều. Trong khi chúng ta phải thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thì áp lực rõ ràng là hiện hữu" - đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh. Đại biểu cho rằng, đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết các đơn yêu cầu đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm rất khó khăn và rất chậm trong thời gian qua.
Theo đại biểu Phan Thái Bình, chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy là cần thiết, là đúng đắn. "Tuy nhiên, cũng cần phải đánh giá, xem xét toàn diện, không phải chỗ nào chúng ta cũng phải tinh gọn, chỗ nào chúng ta cũng phải giảm. Phải đủ được số lượng kiểm sát viên, thẩm phán, các chức danh tư pháp để đảm bảo cho hoạt động chặt chẽ, hiệu quả" - đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo phát biểu, sáng 30/3. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Cũng trao đổi về vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), qua báo cáo cho thấy hiện nay số lượng án hàng năm đều tăng nhưng biên chế của các cơ quan tư pháp không tăng mà còn phải giảm, gây áp lực rất lớn cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán, kiểm sát viên. Bên cạnh đó, chất lượng của công tác kiểm sát trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự, vấn đề kiểm sát tạm đình chỉ điều tra công tác của các cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần được quan tâm hơn.
"Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thẳng thắn nhìn nhận, dư luận, cử tri cho rằng, số lượng vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp đã được phát hiện, khởi tố, điều tra trung bình 50 vụ/năm là chưa thực sự phản ánh đúng tình hình vi phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Chúng ta cần phải rút ra bài học kinh nghiệm trong vấn đề này, góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan tư pháp và trong hoạt động tư pháp tố tụng nói riêng" - đại biểu nêu ý kiến.
Trước đó, trong báo cáo nhiệm kỳ trình Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị có cơ chế chính sách về cán bộ và điều kiện, trang bị phương tiện làm việc phù hợp. Nguyên nhân được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đưa ra là: Thực tế, Kiểm sát viên thực hiện chức năng, nhiệm vụ là kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra như các Điều tra viên của Cơ quan quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhưng hiện nay chế độ chính sách và kinh phí hoạt động của ngành Kiểm sát được cấp theo kinh phí cơ quan hành chính, không đủ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ nên cần được xem xét, quan tâm hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm ngày càng tăng nhanh, yêu cầu về nhiệm vụ, trách nhiệm của Viện Kiểm sát theo quy định của các đạo luật tư pháp mới tăng nhiều hơn so với trước, kỷ luật Đảng đối với cán bộ tư pháp có vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ rất nghiêm khắc nên đã tạo áp lực trách nhiệm nặng nề đối với ngành Kiểm sát.
Từ đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kiến nghị "Nếu không được tăng biên chế thì ngành Kiểm sát đề nghị giữ nguyên biên chế ban đầu thì mới giảm áp lực quá lớn về trách nhiệm chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm hiện nay của đội ngũ Kiểm sát viên".
Theo TTXVN/Báo Tin tức