Bãi san hô cổ hóa thạch trãi dài trên diện tích gần chục ha nằm tiếp giáp giữa khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân và xã Phước Hải (Ninh Phước) đang được nghiên cứu, xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cần được bảo tồn. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều người dân đã tự ý xâm hại bãi san hô bằng cách san bằng để giành đất và khai thác cát xây dựng, gây bất bình trong dư luận.
Theo các nhà địa chất, để hình thành bãi san hô rộng lớn với những hình thù kỳ thú như hiện nay phải trải qua hàng nghìn năm, thậm chí hàng triệu năm về trước. Có đến chiêm ngưỡng bãi san hô cổ hóa thạch chúng ta mới cảm nhận được sự kỳ thú nơi này. Bãi san hô cổ Karang (theo cách gọi của đồng bào Chăm) trải rộng với hàng nghìn tảng đá lớn, nhỏ hình thù độc đáo. Trên những tảng đá san hô có nhiều loài cỏ dại và cây xương rồng ký sinh tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, hấp dẫn khách đến tham quan. Sau khi những bức ảnh của khu vực này được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, những người yêu thiên nhiên, thích khám phá đã đổ xô về đây để tận mắt chứng kiến và chụp ảnh lưu niệm. Qua trò chuyện, du khách đều có chung nhận định đây là một trong những bãi san hô cổ hóa thạch hiếm hoi còn nguyên vẹn chưa có sự tác động của con người. Nếu quy hoạch và đưa vào phục vụ du lịch sẽ là điểm đến thú vị thu hút du khách đến tham quan và nghiên cứu.
Bãi san hô cổ hóa thạch
Đáng tiếc là, gần đây một số người dân ở địa phương tổ chức san ủi lấn chiếm mặt bằng, xâm hại nghiêm trọng khu vực này. Qua thông tin của người dân, chúng tôi đã trực tiếp đến tận mắt chứng kiến bãi san hô cổ bị xe múc đào xới san ủi nham nhở. Hàng trăm tảng đá san hô lớn hình dạng rất đẹp bị máy xúc làm vỡ nát, vung vãi trên diện tích hàng ngàn m2. Cách bãi san hô chừng 100 m, tình trạng khai thác cát trái phép cũng đang hoạt động tấp nập, xe múc cát khoét sâu xuống lòng đất, nguy cơ xâm hại đến bãi san hô cổ.
Qua tìm hiểu và nắm bắt thông tin từ người dân, được biết tình trạng lấn chiếm bãi san hô cổ bắt nguồn từ việc bà con nghe thông tin sắp tới bãi san hô cổ được quy hoạch làm khu du lịch, nên tự ý san ủi giành đất để đòi tiền đền bù. Trao đổi với ông Bùi Đăng Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ninh Phước, được biết huyện đã chỉ đạo tổ chức tuần tra, kiểm soát các trường hợp khai thác cát trái phép ở khu vực trên, phát hiện và bắt giữ một số phương tiện và tiến hành xử phạt các đối tượng vị phạm. Riêng tình trạng san ủi mặt bằng xâm hại bãi san hô cổ thì xã chưa báo lên huyện. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng sẽ trực tiếp tham mưu UBND huyện sớm chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xử lý và chấm dứt ngay tình trạng xâm hại bãi san hô cổ.
Ông Văn Công Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Bãi san hô cổ hóa thạch mới được phát hiện, qua nghiên cứu bước đầu nhiều khả năng có giá trị về mặt địa chất, có thể được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh, chính quyền địa phương cần sớm xây dựng phương án bảo vệ. Sở sẽ hỗ trợ địa phương đề xuất ngành chức năng tiến hành nghiên cứu, đánh giá xếp hạng, để có cơ sở bảo tồn bền vững bãi san hô cổ.
Tỉnh ta được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc mang đặc trưng riêng của vùng miền. Bãi san hô cổ hứa hẹn sẽ là một trong những điểm đến mới lạ thu hút du khách tham quan. Do đó, ngành chức năng, địa phương cần sớm ngăn chặn triệt để tình trạng người dân tụ ý san ủi, lấn chiếm đất ở khu vực bãi san hô.
Thanh Thịnh