Để giúp nông dân sản xuất có hiệu quả, ngành chức năng, các địa phương đã cử cán bộ kỹ thuật về cơ sở hướng dẫn bà con chăm sóc cây trồng đúng theo quy trình kỹ thuật.
Tại các cánh đồng lớn sản xuất lúa ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc… không khí lao động khẩn trương, bà con thăm đồng theo dõi tình hình sâu bệnh, làm cỏ, bón phân. Anh Nguyễn Văn Trưởng, ở thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải (Ninh Hải), cho biết: Thời gian gần đây giá lúa tăng cao, tạo động lực cho các hộ đầu tư sản xuất vụ đông – xuân. Bà con sử dụng giống tốt, tham gia vào các hợp tác xã thực hiện mô hình cánh đồng lớn, nên khâu chăm sóc thuận tiện hơn các vụ trước. Nhờ xuống giống đồng loạt, đúng khung lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, nên lúa phát triển đồng đều, không có dấu hiệu sâu bệnh.
Nông dân Thuận Bắc chăm sóc cây măng tây xanh. Ảnh: A.Tùng
Vụ đông - xuân năm nay, toàn tỉnh chuyển hơn 470 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây dài ngày như nho, táo, măng tây xanh… Để hoàn thành chỉ tiêu chuyển đổi cây trồng theo Quyết định số 2193/QĐ-UBND ngày 14-12-2020 của UBND tỉnh, ngay từ đầu vụ Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác các loại cây trồng cạn; đồng thời, triển khai có hiệu quả chính sách về khuyến nông; lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phối hợp với các địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, tập trung các loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc phù hợp với từng loại cây trồng. Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Trung tâm đang theo dõi Mô hình trồng giống mía mới, áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh, quy mô 15 ha ở xã Quảng Sơn (Ninh Sơn), hướng dẫn các hộ dân chăm sóc, phòng và trị bệnh. Hiện cây mía phát triển tốt, dự kiến thu hoạch vào cuối tháng 3, năng suất ước đạt 70-75 tấn/ha. Mô hình tưới tiết kiệm nước trong sản xuất măng tây xanh, quy mô 0,66 ha tại xã An Hải (Ninh Phước) đang cho thu hoạch, năng suất bình quân 180 kg/ha/ngày.
Cùng với đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã triển khai công tác phòng, chống dịch hại, điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh trên cây trồng thông báo kịp thời cho nông dân chủ động phòng, trừ. Bên cạnh việc đốt bẫy đèn theo dõi diễn biến sinh vật gây hại ở vùng trọng điểm trồng lúa, Chi cục vận động nông dân dọn cỏ nhằm khai thông các kênh mương dẫn nước vào đồng ruộng; vận động nông dân thăm đồng thường xuyên, áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, trừ dịch hại tổng hợp, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Công tác kiểm soát sâu bệnh còn được mở rộng thêm ở những địa phương triển khai xây dựng cánh đồng lớn sản xuất bắp, nho, măng tây xanh. Đối với cây nho ở vùng chuyển đổi, ngành chức năng khuyến cáo bà con chú trọng đầu tư sử dụng công nghệ tưới nước 2 tầng kết hợp tưới phun mưa ở tầng lá, tưới nhỏ giọt tầng gốc, thay thế hình thức tưới xả tràn để tiết kiệm nước.
Sản xuất vụ đông - xuân 2020-2021 gặp thuận lợi nhờ chủ động được nước tưới. Các địa phương thực hiện mô hình quản lý tưới nước có sự tham gia của người sử dụng theo hướng dẫn của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, nên nước phủ đều ở tất cả các chân ruộng. Ở những vùng chuyển đổi cây trồng cạn, Công ty điều tiết nước hợp lý, tạo nguồn nước để các hộ áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây trồng sinh trưởng. Với sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng, cùng với nỗ lực của nông dân tích cực ra đồng chăm sóc cây trồng, tin tưởng vụ đông- xuân năm nay thu được nhiều kết quả.
Anh Tùng