Theo kênh truyền hình CNN, nhận dạng sinh trắc học đã và đang trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng ở khắp mọi nơi, từ quy trình làm thủ tục ở sân bay đến sở cảnh sát và thậm chí là hộp đêm, trong khi nhận dạng mống mắt, vân tay và giọng nói được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau với mục đích bảo mật.
Phương pháp nhận diện bằng tĩnh mạch hiện trên mu bàn tay người rất khó để làm giả. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu làm việc tại đại học New South Wales (Australia) cho rằng một số phương pháp sinh trắc học vẫn tồn tại "những điểm yếu đáng kể".
Cụ thể, dấu vân tay có thể được sao chép từ một bề mặt mà ai đó đã chạm vào và nhân bản để tạo ra một bản sao dấu vân tay giả y hệt, công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể bị vô hiệu hóa với hình ảnh thu được từ phương tiện truyền thông xã hội và kính áp tròng có thể được đưa sử dụng để làm nhiễu các cơ chế nhận diện qua mống mắt.
Với phương pháp nhận dạng mới qua tĩnh mạch, Syed Shah - một nhà nghiên cứu tại Trường Kỹ thuật và Khoa học Máy tính của Đại học New South Wales – chỉ ra: "Các mạch máu nằm bên dưới da, do đó không để lại bất kỳ dấu vết nào như dấu vân tay, không có sẵn trên mạng xã hội như ảnh chụp khuôn mặt và không thể làm giả bằng kính áp tròng. Do đó, chúng tôi tin rằng phương pháp nhận diện bằng mạch máu sẽ khó bị làm giả".
Sử dụng máy ảnh Intel RealSense D415, các nhà nghiên cứu đã chụp khoảng 17.500 hình ảnh của 35 người, trong đó những người tham gia được yêu cầu nắm tay lại để hiện thị rõ mạch mẫu trên mu bàn tay. Với công nghệ trí thông minh nhân tạo, các nhà nghiên cứu đã trích xuất "các đặc điểm phân biệt" của từng mẫu với độ chính xác hơn 99% từ nhóm 35 người tham gia.
Với công trình được công bố trên thư viện trực tuyến IET Biometrics, nhóm nghiên cứu khẳng định công nghệ này có thể được sử dụng để xác thực cá nhân trên các thiết bị như máy tính xách tay và điện thoại di động.
Theo TTXVN/Báo Tin tức