Mai rừng vẫn còn bày bán

Dù Chính phủ đã có công văn nghiêm cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng trái pháp luật cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ,... nhưng hiện nay trên địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm mai rừng vẫn được bày bán tràn lan mà không có ai xử lý

Mai rừng về phố..

Sáng ngày 9-2 trong vai người đi mua mai rừng về chơi Tết, chúng tôi đến chân cầu Đạo Long 1 (phường Tấn Tài, Tp.Phan Rang –Tháp Chàm. Tại đây mai rừng được bày bán kéo dài vài trăm mét từ mép đường Thống Nhất xuống bờ sông Dinh. Mai rừng bày bán từ cành đến gốc lớn, ước chừng vài chục năm tuổi với giá từ vài trăm đến gần chục triệu đồng. Thấy gốc mai rừng có bán kính chừng 15 cm, cao khoảng 3 m, nụ hoa sum sê chúng tôi hỏi giá thì người đàn ông bán mai cho biết là 3 triệu đồng. "Đây là mai Vĩnh Hảo 12 cánh được chặt từ rừng Vĩnh Hảo ( tỉnh Bình Thuận) đưa về. Mai có rất nhiều bông sẽ nở rộ đúng vào ngày Tết. Khác với mọi năm, năm nay do tình hình dịch CoVid – 19 nên ít người mua. Gốc mai này chỉ bán với giá 3 triệu đồng nhưng chưa có ai mua.”. Người bán mai cũng cho biết, mai rừng bày bán ở đây được đưa về từ rừng Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận); Cà Ná, Sơn Hải, huyện Thuận Nam, Phước Trung, huyện Bác Ái và Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. So với các nơi thì mai Cà Ná và Vĩnh Hảo là đẹp nhất vì bông mai to, có từ 8,10, đến 12 cánh, màu vàng đậm rất đẹp. “Dù giá mai rừng cao hơn mai chậu từ vài trăm đến vài triệu nhưng nhiều người vẫn thích mai rừng vì quan điểm phong thủy do mai rừng là tự nhiên và không sử dụng thuốc kích thích. Có người sẵn sàng bỏ cả chục triệu đồng để sở hữu một gốc mai rừng” Người bán mai cho biết thêm.

Mai rừng bày bán công khai tại chân cầu Đạo Long, phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm).

Một người đàn ông khác mời chúng tôi mua một gốc mai lớn nhưng bông đã nở rộ với giá rẻ bất ngờ là …250 nghìn đồng. “Cành này chỉ 250 nghìn đồng thôi. Giá rẻ như cho. Đây là mai Vĩnh Hy, các anh mua về chơi ba ngày Tết” người bán mai rừng nói. Quan sát xung quanh, chúng tôi thấy có rất nhiều gốc mai lớn bày bán. Khi được hỏi chặt mai rừng thế này có khó không? Có bị xử phạt không? thì những người bán mai rừng cho biết họ phải đi lên núi cao để tìm chặt những gốc mai còn sót lại. Ở chân núi hiện nay mai không còn vì bị khai thác quá mức. “ Mai bày bán và người mua về chơi thì không bị xử phạt. Nhưng người chặt mai rừng và vận chuyển về nếu bị phát hiện thì bị xử phạt 15 triệu đồng” Một người bán mai khác cho biết.

Ước chừng có hàng trăm gốc mai rừng đang được bày bán dưới chân cầu Đạo Long 1. Chỉ trong vòng 20 phút, chúng tôi chứng kiến có 2 xe máy, mỗi xe chở 3 gốc mai rừng lớn từ Vĩnh Hải về bày bán công khai tại đây.

Không xử phạt mà chỉ tuyên truyền vận động người bán mai rừng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hảo, Trưởng phòng Kinh tế Tp.Phan Rang – Tháp Chàm cho rằng: Trong 3 ngày qua, địa phương đã phối hợp với lực lượng công an và kiểm lâm tổ chức kiểm tra các điểm bán mai rừng nhưng không xử phạt được vì mai rừng đã chặt rồi, nếu xử phạt sẽ gây an ninh bất ổn, vì vậy, đoàn kiểm tra chỉ vận động người bán mai rừng đưa vào bán tại các chợ nhỏ hoặc đem về tự chơi”

Ông Nguyễn Văn Hiếu, phụ trách điều hành Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác nhận mai rừng hiện được người dân đưa về từ các địa phương, như: Thuận Nam, Vĩnh Hải, Vĩnh Hảo…bày bán công khai nhiều nơi trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm. Đơn vị đã có Kế hoạch phối hợp với công an và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, ngăn chặn người dân khai thác, vận chuyển, buôn bán mai rừng, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không chặt phá mai rừng. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để việc mua, bán mai rừng thì rất khó vì phải có thời gian “Chúng tôi đã có kế hoạch kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng vận chuyển, mua báncây cảnh có nguồn gốc từ rừng tự nhiên trái pháp luật. Theo đó, các đoàn sẽ tổ chức kiểm tra, xử lý các điểm bày bán cây cảnh trên toàn địa bàn tỉnh kể từ ngày 2 đến 10-2 và sẽ tiếp tục tùy vào tình hình thực tế. Các đội kiểm lâm cơ động, phối với với chính quyền các địa phương và công an vừa kiểm tra xử lý, vừa kết hợp tuyên truyền vận động người dân.” Ông Hiếu cho biết thêm.

Trước đó, văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn số 529/VPCP-NN ngày 21-1-2021 về việc truy xuất nguồn gốc cây đào của Văn phòng Chính phủ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ NN-PTNT; Bộ KH-CN; Bộ Công thương; Bộ Tài chính chỉ đạo nghiêm cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng trái pháp luật cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.