Tiếp tục phiên họp lần thứ 39, chiều 25/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về tình hình chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2011-2016. Tổng Bí Thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp.
Báo cáo của Hội đồng bầu cử Trung ương về tiến độ triển khai công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2011-2016 nêu rõ: Ngày 21 tháng 01 năm 2011, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1018/NQ/UBTVQH12 công bố ngày bầu cử và thành lập Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Từ đó đến nay, công tác chuẩn bị bầu cử được triển khai tích cực, nghiêm túc, bảo đảm đúng pháp luật và đúng tiến độ.
Ngay sau khi thành lập, Hội đồng bầu cử đã tiến hành phiên họp đầu tiên để thảo luận, ban hành các văn bản triển khai công tác bầu cử; phân công công việc cho các thành viên Hội đồng bầu cử; quyết định thành lập 3 Tiểu ban giúp việc, gồm: Tiểu ban chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh, trật tự - an toàn xã hội trong công tác bầu cử; Tiểu ban chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử; Tiểu ban thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử. Các tiểu ban đã khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, triển khai các hoạt động của Tiểu ban và đã có báo cáo trình phiên họp thứ hai, thứ ba của Hội đồng bầu cử.
Hội đồng bầu cử đã tiến hành 3 phiên họp để nghe và đánh giá tình hình triển khai công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử; báo cáo kết quả các Hội nghị hiệp thương ở Trung ương và địa phương để phân bổ, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; kết quả kiểm tra, giám sát bầu cử ở các địa phương; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử; công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo;… Tại các phiên họp, Hội đồng bầu cử đã xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị bầu cử; kịp thời báo cáo và xin ý kiến về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để chỉ đạo, lãnh đạo cuộc bầu cử.
Trong thời gian qua, Hội đồng bầu cử đã ban hành 30 văn bản trả lời, hướng dẫn các địa phương về các vấn đề liên quan đến công tác bầu cử, như: điều chỉnh cơ cấu, mầu phiếu bầu, mẫu dấu bầu cử, việc kê khai hồ sơ ứng cử, cách tính số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, về việc ứng cử của công dân Việt Nam có hai quốc tịch, về trường hợp hai người ứng cử cùng họ, cùng tên và cùng cùng tên đệm, về thực hiện quyền bầu cử của công dân và việc lập danh sách cử tri…
Hội đồng bầu cử Trung ương đã ban hành 11 nghị quyết cho phép bầu cử sớm ở một số khu vực bỏ phiếu thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, giao thông đi lại khó khăn và một số đơn vị lực lượng vũ trang ở 11 tỉnh, thành phố. Hội đồng bầu cử phối hợp với các cơ quan hữu quan chỉ đạo việc tổ chức các Hội nghị hiệp thương, lập danh sách sơ bộ và chính thức đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đảm bảo đúng quy trình, tiến độ và thời gian luật định. Cùng với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử đã tổ chức 20 Đoàn giám sát kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử ở 41 tỉnh, thành phố.
Kết thúc Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3, số ứng cử viên được lập danh sách chính thức ở cả Trung ương và địa phương là 832 người, trong đó có 15 người tự ứng cử. Chất lượng ứng cử viên cao hơn so với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, gồm 305 người trình độ trên đại học, chiếm tỉ lệ 36,75%. Đến nay, một số tỉnh đã có báo cáo kết quả lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh.
Ngày 20/4/2011, Hội đồng bầu cử đã ban hành Quyết định phân bổ những người ứng cử ở Trung ương về 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các cơ quan thông tấn báo chí và các địa phương quan tâm thực hiện. Nhìn chung, công tác tuyên truyền phục vụ bầu cử được các địa phương tổ chức thực hiện khá tốt.
Về hoạt động của Tiểu ban chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo: Tiểu ban đã xây dựng và triển khai Kế hoạch tiếp công dân phục vụ cuộc bầu cử, tổ chức các hội nghị triển khai công tác tiếp công dân tại Hà Nội với một số cơ quan Trung ương và địa phương. Tổ chức các phiên họp theo chương trình, kế hoạch đề ra để nghe báo cáo, xem xét tình hình và cho ý kiến xử lý những vấn đề thuộc trách nhiệm của Tiểu ban.
Về tiếp nhận đơn thư, tính đến ngày 22/4/2011, Tiểu ban đã nhận được 114 đơn. Trong đó có 102 đơn liên quan đến nội dung bầu cử. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiếp nhận 32 đơn tố cáo cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 12 đơn có nội dung tố cáo người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung tố cáo để sớm có kết luận.
Trong buổi làm việc chiều nay, các thành viên uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về công tác chuẩn bị bầu cử và các công việc cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới như: Ban hành Nghị quyết công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách chính thức do Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Uỷ ban bầu cử gửi đến (chậm nhất là ngày 27/4/2011); Ủy ban bầu cử các cấp công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử theo đúng thời gian (chậm nhất là ngày 27/4/2011); Chỉ đạo việc niêm yết danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (chậm nhất là ngày 2/5/2011). Việc tổ chức các cuộc gặp gỡ tiếp xúc với cử tri giữa những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp để thực hiện vận động bầu cử, báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội; đảm bảo đúng luật, dân chủ, tiết kiệm và trật tự an toàn trong ngày bầu cử. Cần chú ý đảm bảo nguồn điện được cung cấp đầy đủ trong ngày bầu cử và trong thời gian kiểm phiếu; Đẩy mạnh công tác truyên truyền về bầu cử, tổ chức đa dạng các hình thức truyên truyền; Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cần có kế hoạch và phương án bảo vệ, trong đó cần dự kiến các tình huống phức tạp có thể xảy ra, đồng thời duy trì chế độ trực ban, giao ban thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ bầu cử. Bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân trong dịp bầu cử. Đối với các địa bàn trọng điểm, địa bàn có ý nghĩa chiến lược quan trọng, cần tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng hữu quan trên địa bàn đảm bảo cuộc bầu cử tiến hành đạt kết quả tốt, có phương án đối phó với những tình huống bất khả kháng như diễn biến thời tiết bất thường, để bảo đảm cho cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, thành công, đúng pháp luật.
(Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)