Kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2011): Hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng

Chiều 22-4, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Đồng chí Hà Huy Tập - Cuộc đời và sự nghiệp”, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2011).

Đồng chí Hà Huy Tập sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Tiếp nối truyền thống của cha ông, vào những năm giữa thập niên hai mươi của thế kỷ XX, khi đất nước còn đang chìm đắm dưới ách nô dịch của thực dân Pháp, hàng loạt thanh niên của quê hương Hà Tĩnh đã hăng hái tham gia các tổ chức yêu nước và cách mạng như: Hội Phục Việt - Hưng Nam, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên... với mục tiêu khôi phục giang sơn, giành độc lập dân tộc. Trong số những thanh niên ưu tú thuộc thế hệ cách mạng lớp đầu tiên, quê hương Hà Tĩnh rất tự hào có đồng chí Hà Huy Tập - Tổng Bí thư của Đảng.

Tại cuộc tọa đàm, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ những hoạt động và cống hiến của đồng chí Hà Huy Tập với cách mạng Việt Nam và khẳng định, đồng chí Hà Huy Tập là tấm gương kiên trung bất khuất, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí đã để lại cho Đảng ta một di sản và sự nghiệp cách mạng vô cùng to lớn và quý báu. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Hà Huy Tập là tấm gương bất diệt sống mãi trong lịch sử quang vinh của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu nhấn mạnh: Đồng chí Hà Huy Tập là một trong những lãnh tụ tiền bối có đóng góp quan trọng trong thời vận động thành lập Đảng; có công lao và cống hiến trong việc khôi phục tổ chức và cơ quan lãnh đạo của Đảng và là một trong những người đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng... Đồng chí Hà Huy Tập đã giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng gần 2 năm (tháng 7/1936 - 3/1938). Trong thời gian này, lợi dụng tình hình quốc tế có hướng thuận lợi đối với phong trào cách mạng Việt Nam, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng lực lượng quần chúng, khôi phục các tổ chức Đảng ở trong nước, kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương; triệu tập và chủ trì ba Hội nghị Trung ương, tổng kết tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, đưa phong trào đấu tranh cách mạng trong nước phát triển lên một bước mới...

Là một người có trí tuệ sắc sảo, có học vấn vững vàng, đồng chí Hà Huy Tập đã tỏ rõ là một người có năng lực tư duy lý luận và rất quan tâm đến vấn đề lý luận, tổ chức và xây dựng Đảng. Đồng chí là người đầu tiên có ý thức đi sâu nghiên cứu lịch sử Đảng ta, chú trọng tổng kết các kinh nghiệm lịch sử, thành công và chưa thành công ở những thời kỳ đã qua của Đảng để soi sáng cho các vấn đề hiện tại. Đồng chí đã soạn thảo nhiều bài viết và công trình về lịch sử Đảng ta những năm đầu thời kỳ dựng Đảng... Các bài viết của đồng chí đã góp phần vào công tác tuyên truyền, nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng, chống lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, đem lại niềm tự hào, niềm tin cho quần chúng cách mạng ở buổi cách mạng thoái trào... thực sự là những tư liệu tham khảo quý báu đối với công tác nghiên cứu lịch sử Đảng hiện nay.

Ngày 28/8/1941, cùng với các bậc tiên liệt cách mạng khác, đồng chí Hà Huy Tập đã anh dũng ngã xuống dưới họng súng quân thù. Đồng chí đã đi vào cõi vĩnh hằng trong sự tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào.

(Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)