V.I.Lê-nin (1870-1924)
V.I.Lê-nin sinh ngày 22-4-1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), tên thật là Vladimir Ilits Ulianov (Lê-nin), Người có các bí danh: V.Ilin, K.Tulin, Karpov...
Năm 1887, V.I.Lê-nin vào Trường Đại học Tổng hợp Kazan. Tại đây, V.I.Lê-nin tham gia nhóm cách mạng trong sinh viên, trở thành thành viên của Hội đồng hương bí mật Samarsko - Simbirskoe.
Mùa thu 1895, V.I.Lê-nin thành lập Hội Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân, tập hợp các nhóm cách mạng ở Peterburg và những thành phố. Đêm 9-12-1895, do bị tố giác, nhiều hội viên của Hội Liên hiệp, trong đó có V.I.Lênin bị cảnh sát bắt. Sau 14 tháng bị cầm tù, tháng 2-1897, V.I.Lê-nin bị đi đày 3 năm ở làng Shushenkoe (miền Đông Sibir).
Năm 1900, thời hạn lưu đày của V.I.Lê-nin kết thúc. Người lại tập hợp những người mácxít cách mạng thành lập đảng. Chính quyền Nga hoàng cấm V.I.Lê-nin sống ở thủ đô và các thành phố lớn. V.I.Lê-nin phải ra nước ngoài cùng với Plekhanov lập ra tờ báo Tia lửa.
Năm 1903, tại London đã diễn ra Đại hội lần thứ II Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga. V.I.Lê-nin phát biểu phải xây dựng một đảng mácxít kiểu mới, có khả năng là người tổ chức cách mạng của quần chúng.
Tối ngày 6-11-1917 tại Cung điện Smolnưi, V.I.Lê-nin trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang tháng 10. Đến rạng sáng ngày 7-11-1917, toàn thành phố Peterburg nằm trong tay những người khởi nghĩa, và đến đêm ngày 7-11-1917, Cách mạng Tháng Mười Nga đã toàn thắng, chính quyền về tay nhân dân. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời.
Từ 23-12-1922 đến 2-3-1923, V.I.Lê-nin đọc ghi âm lại một số bài báo quan trọng như: “Những trang nhật ký”, “Bàn về chế độ hợp tác xã”, “Về cuộc cách mạng của chúng ta”, “Thà ít mà tốt”, các bài báo trên xứng đáng được coi là di huấn chính trị của Lênin. Ngày 21-1-1924, V.I.Lê-nin vị lãnh tụ, người thầy, người bạn của những người lao động trên toàn thể thế giới đã qua đời tại làng Gorki (Mátxcơva).
Theo SGGP Online