Dự báo kiều hối toàn cầu năm 2021 có thể sụt giảm tới 14%

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ thanh toán và kiều hối Agribank, năm 2021, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tốt hơn khi chuyển tiền qua kênh điện tử. Điều này tạo thuận lợi cho người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cũng như Việt kiều muốn chuyển tiền về nước.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kiều hối toàn cầu năm 2021 có thể sụt giảm tới 14%, gấp đôi mức sụt giảm đã dự báo trước đó vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 sẽ kéo theo các hệ quả về suy thoái kinh tế, đóng cửa biên giới, bảo hộ công dân và bảo hộ thị trường lao động. Do đó, nguồn kiều hối năm 2021 của Việt Nam sẽ khó tăng trưởng so với năm 2020.

“Mặc dù COVID-19 tác động đến kinh tế toàn cầu nhưng kiều hối về từ một số thị trường chủ lực như: Nhật Bản qua Agribank vẫn ổn định. Ngoài ra, đối tượng phục vụ chủ yếu của Agribank còn là công nhân đi xuất khẩu lao động ở một số thị trường trọng điểm gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ... chuyển về chu cấp cho thân nhân ở trong nước”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Kiều hối đang đến từ người Việt đi làm việc ở nước ngoài chuyển tiền về nước bổ sung nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Một tín hiệu tích cực nữa là rất nhiều người nhận kiều hối bán lại USD cho ngân hàng để nhận VND. Đơn cử theo thống kê của Agribank có 50% lượng kiều hối được nhận về là VND. Điều đó vừa giúp ngân hàng có nguồn ngoại tệ dồi dào để phục vụ cho khách hàng phát triển sản xuất kinh doanh.

Lãnh đạo VietinBank cho biết: Ngân hàng xác định 2021 là năm khó khăn đối với mảng kinh doanh dịch vụ kiều hối. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước diễn biến phức tạp khiến các ngân hàng phải nhanh chóng thích nghi và tìm ra giải pháp mới để triển khai hoạt động kinh doanh trong tình hình mới trong đó có chính sách thu hút kiều hối.

Theo đó, VietinBank nhanh chóng đẩy mạnh tự động hóa giao dịch kiều hối như giao dịch online, nhận tiền online qua tài khoản và Internet. VietinBank triển khai các chương trình ưu đãi về giá phí, các chương trình tặng quà cho khách hàng mới sử dụng dịch vụ, hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng qua các kênh mạng xã hội… Nhờ đó, lượng kiều hồi chuyển về qua ngân hàng vẫn đang được duy trì.

“Năm 2020 tổng lượng kiều hối của kiều bào ta chuyển về nước qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 6,1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2019. Con số trên vượt khoảng 600 triệu USD so với con số dự ước cả năm 2020 của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự báo trước đó”, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, mặc dù năm 2020 kinh tế thế giới ảnh hưởng chịu nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, thị trường kiều hối ở Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua chủ yếu là Việt kiều chuyển tiền về hỗ trợ thân nhân nên tác động của các yếu tố tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm không lớn như một số thị trường khác là kiều hối phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu lao động.

Năm 2020, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam giảm hơn 7% so với năm 2019, còn 15,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, con số này là khả quan hơn rất nhiều so với dự báo giảm 20% của WB.

Tại Vietcombank, lãnh đạo ngân hàng cho hay, kiều hối chuyển qua ngân hàng đạt trên 2 tỷ USD. Nguồn tiền chuyển về Việt Nam vẫn đến từ những thị trường truyền thống như: Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada), châu Âu (Đức, Anh, Pháp…) và khu vực Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Macao, Singapore...).

Theo một số chuyên gia kinh tế, có được kết quả này một phần cũng nhờ tỷ giá được duy trì ổn định đã giúp nâng cao lòng tin của người dân vào VND. Bên cạnh đó, việc duy trì lãi suất tiền gửi USD ở 0% đã khuyến khích người dân chuyển đổi USD sang VND để gửi tiết kiệm, từ đó giúp đất nước tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài.

“Lượng kiều hối năm 2021 sẽ bị tác động nhiều hơn năm 2020. Bởi những khó khăn của năm 2020 do dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ kéo theo các hệ quả suy thoái kinh tế, đóng cửa biên giới. Năm nay, WB hạ dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu xuống mức 4% - thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó, khi một nửa các quốc gia trên toàn cầu bị hạ thấp dự báo tăng trưởng trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu của WB”, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, hiện nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang phải căng mình ứng phó với dịch COVID-19. Mặc dù tin vui có vaccine, nhưng để vaccine phát huy được hiệu quả và được cung ứng rộng rãi thì cần một thời gian ít nhất là 6 tháng đến 1 năm. Trong khi số lượng người thất nghiệp ở Mỹ đang tăng mạnh, mà đây vốn là thị trường thu hút kiều hối về Việt Nam mạnh nhất mỗi năm, cộng thêm những khó khăn khác của nền kinh tế thế giới năm 2021 nên với tình hình này, kiều hối về Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ giảm.

TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: Trong những năm trở lại đây, kiều hối chuyển về Việt Nam với mục đích đầu tư nhiều hơn, mặc dù vẫn là thông qua thân nhân của họ. Các hoạt động như gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư chứng khoán, đầu tư vào các doanh nghiệp… tăng mạnh. Chính phủ Việt Nam ngày càng có nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam theo hướng thuận lợi hơn. Người thụ hưởng kiều hối tại Việt Nam cũng không phải đóng thuế như tại một số quốc gia khác, số tiền gửi về cũng không bắt buộc phải đổi ra tiền đồng. Thêm nữa, kinh tế Việt Nam ngày càng có độ mở lớn, các Hiệp định thương mại như CPTPP, UVFTA… có hiệu lực sẽ tạo sân chơi kinh tế thuận lợi cho kiều bào đầu tư.

“Năm 2021 thật sự rất khó dự báo chính xác về tình hình dịch COVID-19 và kinh tế thế giới, việc kiểm soát dịch cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân của Chính phủ mỗi quốc gia cũng không giống nhau. Kinh tế Việt Nam có những tín hiệu sáng sủa, kiều bào rất mong muốn gửi tiền về nhưng lại còn phụ thuộc vào khả năng kinh tế nước sở tại có chịu tác động nhiều không?", ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Trong dài hạn, nhiều chuyên gia tài chính kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực như giáo dục và sức khỏe cộng đồng... tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho Việt Nam. Đặc biệt, NHNN cần tiếp tục có chính sách mở rộng cho vay vốn, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động nước ngoài và khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở rộng thị trường xuất khẩu, địa bàn hoạt động kinh doanh ở cả trong và ngoài nước.

Theo TTXVN/Báo Tin tức