Nằm sát cạnh bờ biển, thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn rong biển dồi dào. Đây là nguyên liệu chính để người dân địa phương chế biến thành mứt hồng vân thơm ngon bổ dưỡng, thu hút nhiều du khách gần xa. Trước đây, người dân thôn Thái An chỉ chế biến mứt để đãi khách trong dịp Tết, nhưng khoảng 10 năm nay, nhận thấy sức tiêu thụ của mứt hồng vân, một số hộ đã đầu tư cơ sở sản xuất, phục vụ nhu cầu của khách hàng. Mặc dù nằm sâu trong thôn Thái An, nhưng Cơ sở sản xuất mứt hồng vân của chị Lê Thị Mỹ Hạnh luôn tấp nập khách ra vào đặt hàng Tết. Cơ sở mứt của chị vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công, nhưng đặc biệt chú ý khâu vệ sinh, bảo quản nên được nhiều người tin dùng. Theo chị Hạnh, chế biến món mứt hồng vân không khó nhưng cần công phu và kỹ lưỡng. Rong hồng vân sinh sống ở các bãi rạn san hô, phát triển mạnh nhất từ tháng 3 đến tháng 5. Rong sau khi lấy về được rũ sạch, phơi khô, nhặt sạch các mảng sạn, rửa nhiều lần cho sạch cát rồi mới đem ngâm cho nở. Sơ chế xong thì đem nấu với gừng và đường, cho vào khuôn và đem phơi khô trong thời gian 6-7 ngày, cắt thành lát nhỏ, rồi tiếp tục đem phơi và đóng bị bảo quản. Mang hương vị mặn mòi của biển, hương thơm của gừng cùng hòa quyện với độ dẻo dai của rong biển, nhiều năm qua mứt hồng vân trở thành món ăn đặc sản của du khách trong và ngoài tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, mứt hồng vân được biến tấu với các nguyên liệu mới lạ như: lá dứa, hoa đậu biếc, lá cẩm… tạo màu sắc, mùi vị hấp dẫn hơn. Chị Mỹ Hạnh chia sẻ: Năm nay, cơ sở chị dự định sản xuất khoảng 1 tấn hàng cho những đơn đặt hàng sẵn. Do sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công, phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu nên trung bình cơ sở sản xuất khoảng 75 kg/tuần, với giá bán dao động từ 120.000-130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình lãi từ 15-20 triệu đồng. Hiện tại, trong thôn có khoảng 10 cơ sở lớn nhỏ sản xuất mứt hồng vân, qua đó mang lại thu nhập đáng kể cho người dân lúc lao động nhàn rỗi.
Chị Mỹ Hạnh chuẩn bị phơi mứt kịp giao hàng Tết.
Cùng với mứt hồng vân thì mứt táo, mứt nho cũng là món ăn đặc trưng của tỉnh ta trong dịp Tết đến, Xuân về. Đến với Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi, một trong những cơ sở lâu năm và có thương hiệu tại Ninh Thuận về các sản phẩm đặc sản từ nho, táo, chúng tôi ghi nhận không khí tất bật, nhộn nhịp nơi đây. Để sản xuất ra mứt nho, mứt táo và mứt rong biển thơm ngon, chất lượng cao, cơ sở tuân thủ quy trình kỹ thuật khá nghiêm ngặt. Sau khi được sơ chế, táo được rửa thật sạch bằng nước Vagi, sau đó đem hấp và ngâm trong nước cốt nho rồi mới đưa vào lò sấy khô. Riêng nho các công đoạn tỉ mỉ hơn bởi phải chọn từng trái còn nguyên để lấy hạt, sau đó nấu chín, sấy khô. Trước khi đóng gói, công nhân cần kiểm lại hàng, loại bỏ những trái vỡ không đạt yêu cầu, vì vậy tốn rất nhiều công sức. Để kịp đơn hàng giao cho khách, ngoài công nhân tại xưởng, cơ sở tuyển dụng thêm công nhân thời vụ. Mỗi người một công đoạn, ai cũng tất bật cho ra lò những mẻ mứt thơm, ngon, đáp ứng nhu cầu thị trường Tết. Từ hơn một tháng nay, lượng hàng hóa bán ra tăng đều hơn 10%. Với mặt hàng nho khô, cơ sở không đủ hàng để cung ứng thị trường. Ngoài các cơ sở kinh doanh lớn, những ngày giáp Tết, nhiều hộ gia đình kinh doanh nhỏ cũng khẩn trương sên mứt phục vụ Tết. Để giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn, các cơ sở sản xuất mứt táo, mứt nho “biến tấu” thêm nhiều vị như mứt táo tẩm quất, mứt táo sấy dẻo chanh dây,... Tuy sản xuất bằng phương pháp truyền thống nhưng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư lò sấy, hạn chế bụi bẩn so với khi phơi trực tiếp dưới ánh nắng. Dù mới “tập tành” bước vào nghề nhưng Tết này chị Vân, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cũng nhận hơn 100 đơn hàng từ bạn bè, người quen với khoảng 3 tạ mứt táo, mứt nho, với giá từ dao động 80.000-280.000 đồng/kg. Chị chia sẻ: Đầu tiên, tôi chỉ làm để phục vụ nhu cầu gia đình và biếu người thân. Sau khi thưởng thức hầu hết mọi người đều đặt hàng thêm, nên tôi mạnh dạn đầu tư máy sấy mở rộng kinh doanh kiếm thêm thu nhập.
Từ những nông sản đặc thù của quê hương, nông dân tỉnh ta đã sáng tạo, chế biến thành nhiều loại mứt mang hương vị riêng biệt của vùng đất nắng và gió. Thiết nghĩ, để giúp người dân có thêm thu nhập từ nghề làm mứt, các ngành chức năng cần đưa ra giải pháp căn cơ, từng bước tìm đầu ra, xây dựng thương hiệu ẩm thực đưa mứt “xứ nắng” có chỗ đứng trên thị trường...
Mỹ Dung