Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ nhân dân làng Vạn Phước đã đùm bọc, che giấu, nuôi dưỡng nhiều cán bộ cách mạng. Thực dân Pháp đã biết làng Vạn Phước là cái nôi, hạt nhân đấu tranh cách mạng sôi nổi nhất của tỉnh Ninh Thuận. Vào đêm 24-7-1946, ta đã tổ chức lễ xuất quân tại Đình làng Vạn Phước. Lực lượng vũ trang và nhân dân nổi dậy đánh trống, mõ làm náo động cả xóm làng. Bọn hội tề hoảng hốt chạy trốn, nhân dân thừa cơ nổi dậy diệt ác, phá tề, một lần nữa chính quyền cách mạng lại về tay nhân dân.
Để gỡ lại thế bị động và trấn an tinh thần bọn tề điệp, vào lúc 4 giờ sáng, ngày 27-7-1946 thực dân Pháp kéo quân đến bao vây, khủng bố làng Vạn Phước. Khi nghe tiếng súng đầu làng, tưởng súng của ta, các cụ phụ lão đánh trống, mõ ầm lên báo hiệu thì bọn Pháp xông tới nã súng bắn vào các cụ. Một số cụ chết trong tư thế tay vẫn còn nắm chặt dùi trống. Bọn Pháp vào làng tranh cướp của, đốt nhà, giết người, hãm hiếp phụ nữ. Cuộc thảm sát của thực dân Pháp đã giết hại 49 người vô tội, hàng trăm người bị thương, hơn 30 nhà bị chúng đốt cháy. Hành động dã man này đã làm cho nhân dân trong tỉnh vô cùng căm phẩn. Đây là cuộc tàn sát lớn nhất mà chúng gây ra kể từ khi thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Ninh Thuận.
Vụ thảm sát càng làm cho cán bộ, nhân dân làng Vạn Phước thêm căm thù giặc sâu sắc, tiếp tục phát huy phong trào cách mạng, thanh niên, nông dân tích cực tham gia lực lượng du kích. Nhân dân đào hầm che giấu, nuôi cán bộ, vận động tiếp tế lương thực lên chiến khu, chống dồn dân vào làng, gây dựng cơ sở. Tổ chức các phong trào “Hũ gạo nuôi quân”, “Hòm thư bí mật”, “Mẹ chiến sĩ”, vận động thanh niên thoát ly kháng chiến...
Dù phải đương đầu với sự đàn áp và khủng bố của giặc, nhiều cán bộ, nhân dân đã anh dũng hy sinh, nhưng cán bộ, nhân dân làng Vạn Phước vẫn một lòng theo Đảng chống quân xâm lược Pháp, Mỹ đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Việc UBND tỉnh cấp Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh cho sư kiện vụ thảm sát làng Vạn Phước năm 1946, là bằng chứng lịch sử cách mạng, chứng tích bi hùng này đã minh chứng sự dã man của quân xâm lược; lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Cơ sở để giáo dục truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ mai sau, không chỉ cho thôn Vạn Phước mà còn cho cả tỉnh và cả nước.
Với truyền thống nhân văn: “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm, cán bộ, nhân dân thôn Vạn Phước đã tổ chức các ngày lễ viếng đến vụ thảm sát: Tết nguyên đán; Ngày giổ tổ Hùng Vương mùng 10-3 (Âm lịch); ngày Thương binh-liệt sĩ (27-7); ngày 29-6 Âm lịch (ngày bị thảm sát )
Tiếp theo việc cấp Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh, sắp tới tỉnh sẽ xây dựng Nhà tưởng niệm vụ thảm sát (dự kiến ở phía trước, bên phải Nhà tưởng niệm cụ Trần Thi). Hiếm có nơi nào có 4 điểm tham quan, du lịch sát cạnh nhau. Đó là Đình làng Vạn Phước, xây dựng khoảng vào năm 1766, được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1999; Nhà tưởng niệm cụ Trần Thi được xây dựng năm 2011; Nhà tưởng niệm vụ thảm sát. Ba công trình này mặt hướng ra ao sen rộng lớn, rất đẹp. Phía trước, bên trái cách đình làng 50m là chùa Phước Lâm, mặt hướng Nam hình thành khoảng trước thời vua Minh Mạng đến thời Vvua Tự Đức (năm 1848) được xây dựng lại căn bản. Cảnh chùa thoáng mát, thanh tịnh, cây cảnh đẹp mắt:
Hương Sen hát ru người đã khuất
Văn hóa tâm linh chốn đình, chùa.
Về đây lòng tự hào, thanh khiết
Hồn quê, hồn dân tộc ngàn năm.
Nguyễn Văn Minh