Theo bài viết, ngoài yếu tố ổn định chính trị, việc Việt Nam khống chế được dịch bệnh và ưu tiên tiếp tục hoạt động sản xuất sẽ cho phép Việt Nam dễ huy động vốn vào sản xuất cấp thấp, một điều kiện giúp thu hút thêm nhiều nhà sản xuất. Đặc biệt, với Đại hội XIII, quá trình chuyển đổi lãnh đạo đầu năm 2021 sẽ đảm bảo ổn định chính trị cho Việt Nam đến hết năm 2026, giúp Việt Nam đảm bảo tính liên tục trong việc hoạch định chính sách.
Không gian Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN
Trong khi đó, theo bài viết ngày 28/1 trên trang bloomberg.com, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và năng suất, lãnh đạo Việt Nam đang tìm cách tăng cường vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Theo kế hoạch, các đại biểu tham dự Đại hội Đảng XIII sẽ thông qua kế hoạch kinh tế 5 năm, theo đó đến năm 2025, khu vực tư nhân sẽ đóng góp hơn một nửa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế, từ mức 42% hiện nay và tăng gần gấp đôi GDP bình quân đầu người tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Về tăng trưởng kinh tế, Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales (Australia) dự báo sau đà giảm tốc do đại dịch COVID-19, Việt Nam sẽ trên đà tăng trưởng. Theo ông, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới sẽ là chìa khóa cho sự ổn định của Việt Nam. Dù một số nội dung trong kế hoạch của Đảng có thể thay đổi, nhưng các nhà lãnh đạo kiên định đi theo “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” kể từ cuối những năm 1980 khi xây dựng chính sách “Đổi mới”. Giáo sư Thayer đánh giá Việt Nam đang ngày càng hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, ký kết nhiều hiệp định thương mại và trở thành điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo các tài liệu kế hoạch được công bố, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025.
Theo TTXVN/Báo Tin tức