Bài viết kỳ vọng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII - sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, sẽ mang đến những thay đổi mới tích cực cho Việt Nam.
Theo bài viết, kể từ khi đại dịch bùng phát, Việt Nam đã trở thành điểm sáng, hình mẫu trong việc kiểm soát thành công COVID-19. Khi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu bước sang năm thứ hai, Việt Nam tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19. Năm 2020, Việt Nam cũng đạt được những dấu mốc quan trọng về ngoại giao đa phương, với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA).
Cụm pano, cờ đỏ gần Quảng trường Cách mạng tháng Tám (Hà Nội) chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Về mặt kinh tế, năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 2,91%, một trong những mức tăng cao nhất trên thế giới bất chấp đại dịch COVID-19. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do mới, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đạt được tiến bộ trong công nghệ và giáo dục thông qua đại dịch COVID-19. Năm 2020, Việt Nam có những bước tiến trong phát triển mạng 5G, sử dụng thiết bị do ngành công nghiệp trong nước và Tập đoàn Viettel sản xuất. Trong khi đó, học sinh Việt Nam cũng thành công trong các cuộc thi học thuật toàn cầu bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Về mặt kỹ thuật số, Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số toàn quốc, vốn đã làm thay đổi phần lớn nền hành chính công. Tháng 6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt Chương trình quốc gia về chuyển đổi số, thực hiện đến năm 2025, nhằm phát triển nền kinh tế dựa trên công nghệ số.
Bài viết dẫn lời Giáo sư Carl Thayer chuyên về vấn đề Đông Nam Á tại Đại học New South Wales (Australia) cho rằng cách ứng phó của Việt Nam trước đại dịch COVID-19 đã nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và toàn cầu. Các nhà phân tích khác cũng nhắc đến vai trò gần đây của Việt Nam trong HĐBA LHQ, gồm việc hỗ trợ mở rộng phối hợp giữa ASEAN, HĐBA và các cơ quan khác của LHQ cũng như thúc đẩy toàn cầu tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Theo kế hoạch, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 2/2. Bài viết nêu rõ với việc trải qua năm 2020 đầy biến động, ban lãnh đạo mới của Việt Nam có thể tiếp tục điều hành đất nước hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như các mục tiêu đa phương vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn cầu.
Theo TTXVN/Báo Tin tức