Theo Giáo sư Carl Thayer, tháng 10/2020, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã công bố dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII và dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới, trong đó chỉ rõ Việt Nam sẽ tiếp tục con đường cải cách kinh tế và nỗ lực chống tham nhũng. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng các nghĩa vụ trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU).
Giáo sư Thayer nhận định Việt Nam đang nổi lên như một “mô hình tăng trưởng hàng đầu” trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với một số trở ngại để có thể phục hồi mức tăng trưởng kinh tế cao, như giải quyết thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc và khôi phục chuỗi cung ứng mạnh mẽ để hỗ trợ sản xuất trong nước. Sự phục hồi của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào những diễn biến khó kiểm soát như sự phục hồi của Mỹ và châu Âu sau đại dịch.
Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Australia. Ảnh: TTXVN
Về tương lai mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc trong khu vực, ông Thayer cho rằng Việt Nam tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ với các cường quốc như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, trong khi bảo toàn quyền tự chủ của mình. Điều này đảm bảo Việt Nam phát triển quan hệ như nhau với tất cả các cường quốc và hành động độc lập vì lợi ích quốc gia. Chuyên gia Thayer nhấn mạnh Việt Nam đã hai lần được khối châu Á tại Liên hợp quốc nhất trí bầu là ứng cử viên cho cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an và giành được đa số phiếu ủng hộ tại Đại hội đồng LHQ.
Theo ông, ban lãnh đạo mới của Việt Nam, được bầu sau Đại hội XIII, mong muốn Việt Nam đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế và thúc đẩy Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế.
Theo TTXVN/Báo Tin tức