Theo đó, những kết quả chủ yếu trong việc thực hiện chỉ thị 32-CT/TW là: Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được nâng lên một bước; nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng đã coi phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thường xuyên quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các đoàn thể và các doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện. Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc đã có nhiều cố gắng, phối hợp với các cơ quan nhà nước tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lơp nhân dân; bước đầu đã thực hiện được chủ trương xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, huy động được một số nguồn lực của xã hội cho công tác này.
Bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được củng bố, kiện toàn; nhiều cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ; chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên.
Các cơ quan chuyên môn của Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành và sở Tư pháp các địa phương đã phát huy được vai trò chủ động trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp triển khai thực hiện Chỉ thị. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã thực hiện được vai trò liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đã được quan tâm triển khai, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với thế hệ trẻ.
Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật không ngừng được đổi mới, nội dung đã bám sát và phục vụ kịp thời việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của mỗi, bộ, ngành, địa phương; từng bước khắc phục được tính hình thức. Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được quan tâm đầu tư năm sau cao hơn năm trước.
Trình độ, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân ở nhiều cơ quan, tổ chức và địa phương được nâng lên một bước; các hành vi vi phạm pháp luật giảm dần, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị như: Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chưa quan tâm chỉ đạo tổng kết và nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tốt tại cơ sở; chưa coi công tác này "là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị"; còn tình trạng cấp ủy Đảng coi phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ riêng của các cơ quan nhà nước và các tổ chức đoàn thể, thiếu kiểm tra đôn đốc thường xuyên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tích cực tham gia vào các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; chưa thực sự gương mẫu chấp hành pháp luật, lời nói chưa đi đôi với việc làm, từ đó làm ảnh hưởng không tốt đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đồng đều. Thời lượng và chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Một số bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chưa thực sự chủ động thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vẫn còn trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên... Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp chưa phát huy hết tiềm năng của từng thành viên. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được điều chỉnh bằng văn bản có giá trị pháp lý cao. Tổ chức bộ máy, cơ chế thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động này và các cơ chế, chính sách có liên quan chưa được quy định rõ ràng.
Phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới là: Tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật và các cơ chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng cơ chế thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Gắn việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm nhu cầu của từng nhóm đối tượng và các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, tổ chức và các địa phương. Tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình, sách giáo khoa giảng dạy về pháp luật; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân trong tất cả các cấp học và trình độ đào tạo; kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức thi hành pháp luật.
(Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)