Phước Hà là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Nam, phần đông dân số là đồng bào dân tộc Raglai, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhiều người ở độ tuổi lao động chưa biết chữ nên hạn chế trong tìm kiếm việc làm, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Thấu hiểu điều này, từ năm 2019 đến nay, cô giáo Tạ Yên Thị Nhẹ đã chủ động phối hợp cùng Hội Phụ nữ xã tổ chức các đợt khảo sát, tuyên truyền nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và vận động hội viên phụ nữ, đoàn viên, thanh niên trong xã đăng ký học tập xóa mù chữ để thay đổi cuộc đời… Qua rà soát, có 42 người chưa biết chữ đăng ký danh sách tham gia học tập. Trước yêu cầu trên, cô giáo Nhẹ mạnh dạn tham mưu với Ban Giám hiệu Trường TH Giá và lãnh đạo xã Phước Hà tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phép cô tình nguyện giảng dạy lớp xóa mù chữ vào các buổi tối hằng tuần. Theo đó, năm 2019 đã mở được một lớp 1 với 42 học viên, năm 2020 tiếp tục mở lớp 2-3, với 16 học viên tham gia học tập. Với mong muốn “tất cả học viên đều biết đọc, biết viết, biết tính toán sau khi học xong khóa học”, trong quá trình “lên lớp”, cô giáo Nhẹ linh hoạt sử dụng nhiều phương pháp sư phạm giúp học viên tiếp thu bài vở một cách hiệu quả nhất.
Chia sẻ về việc làm thiết thực của mình, cô giáo Tạ Yên Thị Nhẹ, bày tỏ: Qua thời gian giảng dạy, tôi nhận thấy nhiều anh chị học viên từ không biết chữ đã biết đọc, biết viết, biết tính toán; một số anh chị “sáng dạ” hơn có thể đọc báo. Đó là niềm tự hào lớn nhất của tôi khi tham gia giảng dạy lớp xóa mù chữ. Bên cạnh thuận lợi, lớp học xóa mù chữ tại địa phương cũng gặp khó khăn như số học viên tham gia học tập giảm dần. Qua tìm hiểu, được biết một số học viên cho rằng nhà cách xa lớp học, ban đêm đi lại khó khăn; một số học viên chồng, con chưa tạo điều kiện; một số là lao động chính trong gia đình nên không sắp xếp được thời gian dành cho việc học. Bởi vậy, để công tác xóa mù chữ duy trì triển khai hiệu quả, thời gian tới, tôi tiếp tục tham mưu với Ban Giám hiệu Trường TH Giá, chính quyền địa phương và phối hợp cùng Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động học viên tiếp tục tham gia học tập đầy đủ cho đến hết chương trình khóa học xóa mù chữ, từ đó giúp họ mở ra ánh sáng, có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe, tìm kiếm việc việc làm, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Thầy giáo Lê Hữu Chí, Hiệu trưởng Trường TH Giá, cho biết: Cô giáo Tạ Yên Thị Nhẹ hiện là Phó Bí thư Chi bộ nhà trường. Cô có chuyên môn vững vàng; luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tích cực tham gia các phong trào thi đua, hoạt động do nhà trường, ngành Giáo dục, địa phương phát động. Điển hình có thể kể đến việc tự nguyện tham gia công tác vận động, tổ chức, duy trì các lớp xóa mù chữ giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao trình độ dân trí, được chính quyền đánh giá cao.
Với những nỗ lực và đóng góp thiết thực của mình, năm 2020, cô giáo Tạ Yên Thị Nhẹ vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” trên địa bàn tỉnh.
Lâm Anh