Khơi dậy sự sáng tạo, lòng quyết tâm và đổi mới mạnh mẽ
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: 2020 là năm đặc biệt, bởi những khó khăn không lường trước được nhưng cũng có những biến tiến ngoạn mục.
"Nói về một đất nước đang phát triển thì điều đầu tiên là tốc độ tăng trưởng, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%. Tất cả các cán cân lớn của nền kinh tế đều được đảm bảo. Đặc biệt, trong đại dịch, tinh thần yêu nước, tương thân tương ái của nhân dân lại được khơi dậy và sự vận hành của một thể chế, bộ máy từ Trung ương đến cơ sở được thông suốt, ý Đảng, lòng dân hòa quyện lại. Chúng ta không chỉ vượt qua những thách thức lớn mà còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ. Bao trùm hơn hết là lòng tin của tất cả người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước vào con đường đi lên của đất nước. Điều đó nhờ sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong đó phải nói đến lực lượng làm công tác thông tin và truyền thông. Theo khảo sát, Việt Nam đứng đầu thế giới về lòng tin của nhân dân vào các chủ trương, giải pháp của Chính phủ. Bởi, chủ trương đúng và điều quan trọng là truyền được chủ trương, giải pháp đó đến người dân, nhờ vào bộ máy làm truyền thông và công nghệ thông tin. Năm 2020 tiếp thêm sức mạnh cho chuyển đổi số...' - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận, cảm ơn đội ngũ những người làm công nghệ thông tin và truyền thông; những người đồng hành cùng ngành trong thời gian qua để cả nước từ Trung ương đến địa phương vượt qua khó khăn chưa từng có, đạt được những thành tích đáng tự hào.
Nhắc đến sự phát triển của các ngành thông tin, viễn thông, bưu điện, an toàn, an ninh mạng, thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng nếu khơi dậy được sự sáng tạo, sự quyết tâm, không đổi mới mạnh mẽ hơn thì sẽ không tận dụng được cơ hội, dẫn đến nhiều ngành sẽ chết. Nếu không có sự chuyển đổi mạnh hơn sẽ thụt lùi.... Đây là thời cơ để thực hiện ước mơ phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin.
Theo Phó Thủ tướng, chương trình "Make in Việt Nam" là nói đến trí tuệ Việt Nam. Kết quả hiện nay mới là bước ban đầu. Việt Nam có thị trường gần 100 triệu dân, nếu có sự điều phối tốt thì sẽ đủ sức ươm mầm thị trường trong nước trước. Một sứ mệnh mới là làm sao 5 năm nữa trên bản đồ các nhà sản xuất thiết bị viễn thông có Việt Nam. Đó là thành công mang dấu ấn lớn của ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Liên quan đến việc chuyển đổi số và Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng cho biết trước đây khi nói về ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử hay chuyển đổi số, thường nói đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các ngành tài chính, ngân hàng nhưng thời gian qua làm từ chỗ hiện đại nhất xuống nhưng hiện nay có thể khẳng định muốn đẩy nhanh việc này, cần làm hai mũi từ trên xuống và từ chỗ khó khăn nhất, nghĩa là làm ngược lại, làm từ dưới lên. Nếu làm tốt thì mới có thể vượt được những nước đi trước.
Cho rằng đây là thời cơ cũng là thách thức lịch sử đối với ngành công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng mong muốn lãnh đạo các ngành, địa phương thực sự quan tâm đến vấn đề này. Trách nhiệm của bộ quan trọng nhưng trách nhiệm và năng lực của các địa phương còn quan trọng hơn. Làm Chính phủ điện tử, Chính phủ số không khó như tưởng tượng, chỉ cần sự đồng lòng, nhận thấy xây dựng Chính phủ điện tử giúp minh bạch hơn với nhân dân, gần dân hơn, giúp Chính phủ, chính quyền địa phương thực sự quản lý tốt để phục vụ nhân dân thì chắc chắn sẽ làm được.
Dịp này, Phó Thủ tướng kêu gọi tất cả các doanh nghiệp công nghệ thông tin hãy tham gia vào các chương trình của Bộ Thông tin và Truyền thông khởi xướng bằng cách thảo luận, tìm ra được những nền tảng mở dựa trên yêu cầu thực tiễn của người dân.
"Số dân của Việt Nam gần 100 triệu người, đủ sức tạo bước nhảy vọt mạnh mẽ. Muốn tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sự sáng tạo của người dân Việt Nam, quy mô dân số, quy mô thị trường và sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Đây là thời cơ Việt Nam không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin tốt còn cho ra đời những sản phẩm không chỉ phục vụ trong nước, còn chen chân được vào thị trường thế giới" - Phó Thủ tướng gợi mở.
Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đặc biệt của nhân loại, thế giới đang thay đổi nhanh, khó đoán định, phức tạp, mơ hồ. Bởi vì nhân loại đang bước vào một không gian sống mới. Sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc di chuyển này, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn đi song hành. Công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự chuyển đổi này. Ngành Thông tin và Truyền thông chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như hiện nay. Đây cũng là cơ may hiếm có để ngành Thông tin và Truyền thông định vị lại mình".
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định ngành Thông tin và Truyền thông đã làm được nhiều việc trong năm 2020, trong cả nhiệm kỳ 2015-2020, đã tiếp nối những thành quả của các thế hệ đi trước, đã gìn giữ những giá trị cốt lõi của ngành là "Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình". 2021 là năm đầu tiên của một giai đoạn mới, không chỉ của ngành mà là của đất nước và của cả thế giới. Thách thức mới, cơ hội mới sẽ tạo ra sứ mệnh mới, không gian mới. Sứ mệnh mới, không gian mới sẽ tạo ra năng lượng mới, cách tiếp cận mới, và đây sẽ là nguồn lực để Việt Nam bứt phá vươn lên. Từ những nhận thức mới và tầm nhìn mới, các đơn vị trong ngành Thông tin và Truyền thông sẽ phải cụ thể hóa thành các chương trình hành động. Chỉ thị 01 năm 2021 của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã chỉ rõ những việc mà ngành phải làm, với tinh thần: khát vọng hùng cường thịnh vượng, sứ mệnh lớn, mục tiêu cao, cách tiếp cận mới, giải pháp đột phá, việc 5 năm làm trong 1 năm, phát triển nhanh và bền vững, qua đó xuất hiện người hiền tài cho ngành, cho đất nước.
Tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ
Năm 2020 nói riêng, giai đoạn 2016 - 2020 nói chung, ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với việc tập trung thực hiện chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ba đột phá chiến lược được tập trung chỉ đạo thực hiện tốt trong ngành, đạt được nhiều kết quả khả quan, như: Hệ thống hóa cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia tiếp tục được xây dựng hiện đại, rộng khắp. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển nhanh chóng, vững chắc. Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu trong ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước và đời sống xã hội.
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Đặc biệt, chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam đã lan tỏa đến mọi ngõ ngách của xã hội, Từ trung ương đến địa phương. Báo chí đã khẳng định được vai trò vị trí của mình trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc; phản ánh dòng chảy của xã hội Việt Nam, góp phần tạo đồng thuận niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.
Riêng đối với lĩnh vực báo chí tuyên truyền, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai sắp xếp tinh gọn các cơ quan báo chí. Hiện, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí (năm 2016 có 859 cơ quan báo chí). Báo chí thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo nên khát vọng Việt Nam hùng cường.
2021 là năm đầu tiên của một giai đoạn mới. Năm năm tới đây là giai đoạn bản lề để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp, tiến bước trở thành một nước phát triển có thu nhập cao trong 20 năm tiếp theo. Ngành Thông tin và Truyền thông ý thức được trách nhiệm tiên phong trong việc thực hiện sứ mệnh, đặt ra mục tiêu cao, cải thiện thứ hạng quốc gia trên tất cả các lĩnh vực với cách tiếp cận mới và giải pháp đột phá.
Một số chỉ tiêu trong năm 2021 của ngành là: Báo chí thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nên khát vọng Việt Nam hùng cường; tỷ lệ người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận ít nhất một loại hình báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu năm 2021 đạt 95% và năm 2025 đạt 100%. Tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội Việt Nam so với nước ngoài năm 2021 là 0,83; năm 2025 là 1,22. Tỷ lệ bản sách bình quân đầu người năm 2021 đạt 4,5 và năm 2025 đạt từ 5 đến 5,5. Tỷ lệ sách xuất bản điện tử năm 2021 đạt 10%, năm 2025 đạt 15%. Tỷ lệ chuyển đổi số số cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông đa phương tiện năm 2021 đạt 75%, năm 2025 đạt 90%.
Bên cạnh đó, ngành hướng tới mục tiêu: Hạ tầng số được đầu tư trước, đi cùng nhịp với các nước trên thế giới về ứng dụng công nghệ mới, triển khai thương mại 5G với các thiết bị "make in Việt Nam'' theo đúng lộ trình. Mỗi người dân một điện thoại thông minh; phổ cập điện thoại di động thông minh với mục tiêu tỷ lệ thuê bao băng rộng di động trên 100 dân năm 2021 đạt trên 80%, năm 2025 đạt 100%. Cơ bản hoàn thành phát triển Chính phủ điện tử với việc hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 2 cơ sở dữ liệu quốc gia lớn là dân cư và đất đai; phát triển nền công nghiệp ICT make in Việt Nam...
Theo TTXVN/Báo Tin tức