Tại cuộc họp báo do Bộ Công Thương tổ chức diễn ra chiều 22-4, về Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Chưa đủ cơ sở để khẳng định giá điện có được điều chỉnh từ ngày 1/6 tới hay không. Giá điện chỉ được điều chỉnh khi có sự thay đổi lớn của ba thông số đầu vào cơ bản như tỷ giá, giá nhiên liệu và cơ cấu nguồn phát.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Việc điều chỉnh giá điện phải phản ánh đúng chi phí, phản ánh biến động thị trường nhưng cũng phải tính toán đến việc giảm thiểu tác động bất lợi tới ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội; đồng thời doanh nghiệp sản xuất phải nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, sau khi có Quyết định 24, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng các hướng dẫn như: Thực hiện biểu giá bán điện chi tiết cho các nhóm đối tượng khách hàng; Lập, phê duyệt kế hoạch sản xuất điện và các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật hàng năm; Tính toán giá bán điện theo các thông số đầu vào cơ bản; Lập, phê duyệt hồ sơ tính toán điều chỉnh giá bán điện và các hướng dẫn cần thiết khác. Các hướng dẫn này dự kiến sẽ ban hành trong tháng 5 tới.
Về Qũy bình ổn giá điện sẽ do Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện, hình thành từ chi phí của giá bán điện. Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, điện không như các mặt hàng khác. Trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phải treo tất cả các chi phí khác chưa đưa vào giá bán điện thì khi nào xử lý hết số nợ treo lại mới tính đến việc hình thành Qũy này. Cơ chế hình thành và quản lý Qũy sẽ theo nguyên tắc thận trọng và lấy ý kiến rộng rãi.
Lý giải về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, hiện các khoản treo của EVN chưa được hạch toán trong giá điện, bao gồm khoản lỗ năm 2010 là 8.000 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá đến 31/12/2010 là 17.000 tỷ đồng. Gía điện tăng từ ngày 1/3 vừa qua cũng chưa tính đến các chi phí này. Các tháng đầu năm nay, tình hình tài chính của EVN rất khó khăn do phải chạy các nguồn điện có giá cao nhằm đảm bảo điện cho sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế. Do vậy với khả năng thanh toán chưa có nên EVN chỉ ưu tiên trả nợ cho các hợp đồng mua điện nước ngoài (BOT Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3); các hợp đồng mua khí, dầu của các nhà máy EVN đang mua điện nên chưa thể trả 5.000 tỷ đồng tiền mua điện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và trên 1.000 tỷ đồng tiền mua điện của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Việc chênh lệch tỷ giá, EVN đã đề xuất Chính phủ cho phép có lộ trình trích dần từng bước để giảm sức ép tăng giá điện.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết, thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm vẫn đảm bảo tiến độ bắt đầu triển khai từ ngày 1/7/2011. Bộ Công Thương đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin liên quan cho việc tính toán vận hành. Thị trường điện sẽ phát triển theo 3 giai đoạn; trong đó, thị trường phát điện cạnh tranh nếu làm tốt sẽ thực hiện đến năm 2014; thị trường bán buôn cạnh tranh phát triển từ năm 2015-2022; Thị trường bán lẻ cạnh tranh từ sau 2022. Lúc đó người mua điện có thể lựa chọn người cung cấp điện cho mình.
(Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)