Dự án do Giáo sư Mohamed Thariq Hameed Sultan tại Đại học Putra dẫn đầu và được triển khai từ năm 2017 nhằm tìm ra những cách sử dụng rác từ quả dứa một cách bền vững.
Ông Mohamed Thariq nêu rõ: “Chúng tôi đang biến lá dứa thành loại sợi có thể được dùng để ứng dụng vào ngành hàng không vũ trụ và chế tạo ra một máy bay không người lái cơ bản”.
Rác từ dứa có thể trở thành vật liệu bền chắc để chế tạo bộ khung cho máy bay không người lái. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo Giáo sư Mohamed Thariq, các máy bay không người lái được làm bằng vật liệu composite sinh học có sức bền cao hơn, chi phí thấp hơn, trọng lượng nhẹ hơn và dễ dàng phân hủy hơn so với những phương tiện được làm bằng sợi tổng hợp. Nếu máy bay không người lái bằng vật liệu thân thiện với môi trường này hỏng hóc, bộ khung có thể được chôn lấp dưới đất và sẽ phân rã trong 2 tuần. Các mẫu máy bay này có thể bay lên độ cao khoảng 1.000 mét và bay trong khoảng 20 phút.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ chế tạo được một máy bay không người lái lớn hơn bằng vật liệu bền vững này để có thể chứa tải trọng lớn hơn, phục vụ các mục đích nông nghiệp và giám sát trên không.
Dự án phát triển máy bay không người lái bằng vật liệu đặc biệt trên hứa hẹn sẽ khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo để tìm ra những cách thức tận dụng rác thải, đồng thời tăng thu nhập cho người nông dân, đặc biệt trong lúc thu nhập của họ bấp bênh do đại dịch COVID-19.
Theo TTXVN/Báo Tin tức