Có dịp đến xã Phước Hà vào cuối năm, chúng tôi tình cờ nghe những âm thanh quen thuộc của tiếng Mã La vang lên giữa núi rừng. Qua tìm hiểu được biết đây là hoạt động ngoại khóa của trường Phổ thông Dân tộc Bán Trú (PT DTBT) THCS Phước Hà được duy trì thực hiện trong nhiều năm qua. Trở thành thông lệ chiều thứ Ba hàng tuần, sau khi kết thúc buổi học, các em học sinh tập hợp ở trường để lắng nghe các nghệ nhân, già làng hướng dẫn cách sử dụng và biểu diễn Mã La theo từng nhạc điệu khác nhau. Rất ấn tượng trước hoạt động đầy ý nghĩa này, chúng tôi đã đến tận trường để tham gia trải nghiệm. Hôm đấy, các em học sinh được nghệ nhân Bà Râu Đắc chỉ dẫn cách đánh bài “Mừng lúa mới”. Dưới sự hướng dẫn tận tình của nghệ nhân, các em nắm bắt kiến thức và làm theo rất nhanh, từ những kỹ năng, điệu thức, cách diễn tấu đều được thực hiện đúng theo yêu cầu.
Thầy giáo Trần Mai Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm 2015, đội Mã La được thành lập chỉ với 15 học sinh, đến nay đã phát triển hơn 50 thành viên. Với niềm đam mê, năng khiếu cùng quá trình bồi dưỡng, nhiều em trong đội đã trở thành hạt nhân nòng cốt của địa phương tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do các cấp, ngành tổ chức. Cùng với đó, nhà trường còn lồng ghép tổ chức các buổi học đánh đàn Chapi, và hát sử thi vào các tiết học ngoại khóa. Các hoạt động này đã tạo sân chơi bổ ích giúp các em cảm nhận được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Nghệ nhân Tà Thía Banh hướng dẫn cách đánh Mã La cho học sinh trường PT DTBT THCS Phước Hà.
Việc đưa văn hóa dân tộc vào chương trình ngoại khóa được cấp ủy, chính quyền và các trường học trên địa bàn xã đẩy mạnh, triển khai xuyên suốt trong 5 năm qua, tập trung thực hiện tại trường PT DTBT THCS Phước Hà, trường TH Trà Nô và TH Giá. Theo đó, các trường đã phối hợp cùng các nghệ nhân ưu tú, già làng, trưởng tộc giàu kinh nghiệm, có kiến thức am hiểu về văn hóa dân tộc đến để truyền dạy. Các kiến thức được các nghệ nhân, già làng nghiên cứu và chọn lọc kỹ lưỡng trong kho tàng phong phú, đa dạng của văn hóa Raglai. Đảm bảo khi mới bắt đầu, các em có cái nhìn chân thực và sống động về văn hóa dân tộc, từ đó tạo được niềm hứng thú trong tìm tòi, học hỏi. Điều đáng ghi nhận trong quá trình thực hiện đã nhận được sự ủng hộ, đồng hành tích cực của phụ huynh và học sinh. Vì vậy mà, từ chỗ chỉ có thể nhìn người lớn đánh Mã la, chơi các loại nhạc cụ, giờ đây, học sinh có thể sử dụng nhạc cụ truyền thống và tự tay tạo nên những thanh âm độc đáo. Đồng thời, nhiều nét đẹp trong các lễ, hội truyền thống dân tộc Raglai được các em hiểu rõ.
Đồng chí Tà Thía Banh, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hà, đồng thời là Nghệ nhân Ưu tú thường xuyên tham gia các hoạt động truyền dạy văn hóa Raglai cho các em học sinh, cho biết: Là xã vùng cao có hơn 950 hộ dân sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm 95% dân số. Âm nhạc và các giá trị truyền thống của dân tộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con. Để bảo tồn những giá trị, nét đẹp ấy, nhiều năm qua, địa phương và nhà trường đặc biệt quan tâm và chú trọng thực hiện công tác đưa văn hóa dân tộc vào trường học. Tính hiệu quả, khả thi không chỉ dừng lại việc càng đông học sinh biết sử dụng nhạc cụ, am hiểu văn hóa truyền thống mà còn hun đúc niềm tự hào dân tộc cho các em. Để mai đây, các em sẽ là thế hệ kế cận bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của cha ông để lại.
Lê Thi