Toàn huyện có 23 cơ sở giáo dục, 332 lớp với tổng số 8.915 HS; trong đó, 6 trường mẫu giáo công lập và 3 nhóm trẻ tư thục; 11 trường tiểu học; 6 trường THCS. Để các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đến nay, toàn huyện hiện có 396 phòng học; 64 phòng chức năng, phòng học bộ môn và thí nghiệm; trong đó, 346 phòng kiên cố và 50 phòng bán kiên cố. Các trường học đều có sân bãi đầy đủ, thoáng mát, một số trường học có hồ bơi như: Trường TH Công Hải, THCS Bùi Thị Xuân. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, huyện cũng chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên. Năm học này, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện có 660 công chức, viên chức và người lao động, bao gồm: 52 cán bộ quản lý, 527 giáo viên và 81 nhân viên. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Giờ lên lớp của cô và trò Trường Tiểu học Công Hải.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, Phòng GD&ĐT huyện triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng HS sau THCS; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho HS bảo đảm an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc. Mỗi cấp học đều có phương pháp giảng dạy phù hợp với địa phương. Chẳng hạn, đối với cấp mầm non, Phòng GD&ĐT huyện tập trung vào Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi và các chuyên đề hỗ trợ đổi mới hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ phù hợp thực tế như: “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, “Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số huyện Thuận Bắc giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Với cấp tiểu học, Phòng GD&ĐT chủ động điều chỉnh nội dung dạy học, linh hoạt trong quá trình tổ chức hoạt động giáo dục đảm bảo dạy học vừa sức, phù hợp với đối tượng HS, tổ chức có hiệu quả dạy 2 buổi/ngày. Riêng với cấp THCS, ngoài chương trình theo quy định, ngành còn lồng ghép giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật vào chương trình ngoại khóa.
Song song các biện pháp trên, nhằm giúp HS tiếp thu bài giảng nhanh và xác thực hơn, Phòng GD&ĐT đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ đổi mới nội dung, trang mạng “Trường học kết nối”. Đến nay, toàn huyện có 100% trường học kết nối Internet; duy trì sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản (TDOffice); cập nhật và khai thác tốt hệ thống các phần mềm quản lý trực tuyến của Bộ GD&ĐT; triển khai đầy đủ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành.
Bằng sự nỗ lực của toàn ngành, giáo dục huyện nhà đã có nhiều chuyển biến như: Tỷ lệ huy động HS ra lớp các cấp học đạt kế hoạch giao; trong đó, cấp mẫu giáo đạt 104.80%; tiểu học đạt 100.02%; THCS đạt 92,1%; HS tốt nghiệp THCS đạt 100%; HS hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,6%. Cấp mầm non, 100% trẻ được kiểm tra sức khỏe và theo dõi bằng biểu đồ tăng trưởng; 100% trẻ học 2 buổi/ngày; 100% trẻ được ăn bán trú tại trường… Tỷ lệ huy động HS trong độ tuổi ra lớp được duy trì ổn định ở tất cả các cấp học. Toàn huyện có 12/23 trường đạt chuẩn quốc gia. Cô Trần Thị Thu Hương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho biết: Năm học 2020-2021, ngành tập trung vào chủ đề “Dạy người”, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS; tích cực tuyên truyền, vận động, huy động tối đa các em trong độ tuổi đến trường và duy trì sĩ số HS. Để thực hiện, Phòng GD&ĐT tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên các cấp học; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, luôn hướng tới mục đích chung là nâng cao chất lượng giáo dục của huyện nhà.
Minh Khai