Biến thể mới
Theo tờ Vox, biến thể mới này xuất hiện ở Anh và được phát hiện vào cuối tuần qua. Chủng mới của SARS-CoV-2 có một loạt biến đổi, lây lan nhanh ở London và khu vực đông nam. Dựa trên các biến đổi này, dự báo biến thể mới có thể dễ lây hơn các biến thể khác của SARS-CoV-2 hiện nay. Các nhà khoa học đang tìm hiểu về biến thể này để xem nó có thể lây lan ở mức độ nào và các loại vaccine vừa được cấp phép có hiệu quả với biến thể này hay không. Hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể mới khiến người mắc bị bệnh nặng hơn hoặc tăng nguy cơ tử vong.
Hành khách chờ làm thủ tục khởi hành tại sân bay Heathrow ở Tây London, Anh ngày 21/12 trong bối cảnh hàng loạt quốc gia ban hành lệnh đóng cửa biên giới cũng như ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 21/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tỏ ra thận trọng trước những cảnh báo nghiêm trọng liên quan đến biến thể tại Anh. Các quan chức WHO thậm chí còn tỏ ra lạc quan trước việc phát hiện các biến thể mới, bởi điều này đồng nghĩa rằng các công cụ theo dõi virus đang hoạt động hiệu quả. Phát biểu tại họp báo trực tuyến, Giám đốc Tình trạng Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan nhấn mạnh minh bạch thông tin là quan trọng, nhưng thế giới cũng cần vượt qua được đợt dịch này vì biến thể mới chỉ là sự phát triển bình thường của virus. Theo ông Ryan, việc dõi virus một cách sát sao, khoa học và kịp thời thực sự là bước tiến tích cực và các nước đang thực hiện quy trình giám sát này nên được hoan nghênh.
Trong khi đó, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan khẳng định cho đến thời điểm này, dù virus SARS-CoV-2 đã có một số đột biến, nhưng những thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả khả năng kháng thuốc, các liệu pháp điều trị hay tránh được các vaccine hiện nay của virus. Dự kiến trong vài ngày hoặc vài tuần tới, WHO sẽ nhận được thông tin chi tiết về tác động tiềm tàng của biến thể mới. Theo bà, virus SARS-CoV-2 còn biến thể chậm hơn so với virus cúm. Mỗi năm, vaccine ngừa virus cúm đều cần được đánh giá và xem xét lại dựa trên mức độ lây lan của chủng cúm vào năm đó. Chuyên gia Swaminathan nhấn mạnh rằng điều quan trọng là cần phải tiếp tục theo dõi sự phát triển của virus, trong đó tập trung vào nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm. Theo bà, virus càng lây lan thì nguy cơ chúng biến đổi và tạo ra biến thể càng tăng. Do đó, điều quan trọng là phải giảm thiểu mức độ lây lan trong cộng đồng, từ đó giảm tỷ lệ đột biến của virus.
Các nước tăng cường phòng ngừa
Hành khách làm thủ tục tại quầy của Hãng British Airways để tới London (Anh) ở sân bay Duesseldorf, miền Tây Đức ngày 21/12. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau khi có thông tin về biến thể virus mới ở Anh, một loạt quốc gia đã tăng cường phòng ngừa.
Tại châu Á, ngày 22/12, ông Phùng Tư Kiên, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc khẳng định rằng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa xuất hiện tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ quan này đang giám sát chặt chẽ biến thể trên toàn cầu cũng như nghiên cứu cách thức tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa.
Tại Israel, ngày 21/12, nội các đã thông qua lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nêu rõ các biện pháp dự kiến có hiệu lực từ ngày 23/12 và mục đích của các biện pháp mới này là ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm biến thể mới.
Tại Pakistan, chính phủ nước này đã áp đặt hạn chế đi lại đối với hành khách tới từ Anh do tình hình dịch bệnh đang xấu đi tại quốc gia châu Âu này.
Cùng chung mối lo ngại về biến thể mới, Chính phủ Sudan đã quyết định cấm nhập cảnh đối với hành khách tới từ Anh, Hà Lan và Nam Phi. Các hãng hàng không Sudan đã nhận được thông báo thực thi quyết định mới từ ngày ngày 24/12 đến ngày 5/1/2021.
Tại châu Âu, sau khi biến thể mới được xác định ở nhiều nước ngoài Anh, do đang ở cao điểm của dịch, các nước châu Âu không thể mạo hiểm chờ đợi cho tới khi có thông tin rõ ràng hơn về biến thể của virus hoặc tới khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí về một cách phản ứng chung. Ngay chiều tối cùng ngày, hàng loạt nước châu Âu đã ban bố lệnh đóng cửa biên giới và cấm bay đối với các chuyến bay từ Anh.
Đức, Hà Lan nằm trong số những nước đầu tiên ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ Vương quốc Anh. Pháp lập tức áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Anh bằng đường hàng không, đường biển và đường bộ. Italy và Áo cũng thông báo đình chỉ các chuyến bay với Anh, trong khi Hy Lạp yêu cầu tất cả du khách đến từ Anh phải cách ly bắt buộc trong ít nhất 1 tuần. Các nước Scandinavia yêu cầu khách đến từ Anh phải xét nghiệm...
Cùng với việc các nước ngừng mọi chuyến bay tới Anh, đường hầm Eurotunnel nối Anh và Pháp đã đóng cửa từ 23 giờ đêm 20/12 (sáng 21/12 giờ Việt Nam), bến phà ở Dover của Anh cũng đã đóng cửa. Như vậy, đường không và đường biển ra vào nước Anh đều bị phong tỏa. Với lệnh cấm bay và đóng cửa biên giới, các nước châu Âu đang tự trang bị vũ khí chống lại biến thể mới.
Giáng sinh giữa đại dịch
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Newcastle-upon-Tyne, Anh ngày 19/12. Ảnh: AFP/TTXVN
Chưa bao giờ châu Âu đón một Giáng sinh khắc nghiệt như năm nay trong bối cảnh nhiều nước phải áp đặt lệnh phong tỏa và số ca mắc mới COVID-19 liên tục gia tăng.
Từng có ý định nới lỏng biện pháp phòng dịch dịp Giáng sinh, nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo các kế hoạch này sẽ bị hủy bỏ vì các ca mắc COVID-19 liên quan đến biến thể mới gia tăng.
Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte công bố các biện pháp siết chặt hơn nữa hoạt động đi lại dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới. Theo sắc lệnh mới, từ ngày 24/12 đến 6/1/2021, Italy sẽ ở trong tình trạng là “vùng đỏ” vào các ngày lễ và ngày liền kề trước đó.
Tại Áo, nước này sẽ phong tỏa lần 3 kéo dài từ sau lễ Giáng sinh đến hết ngày 18/1/2021.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết nước này sẽ đóng cửa các cửa hàng và trung tâm thương mại trong dịp nghỉ lễ do số ca mắc mới liên tục tăng.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, WHO đã khuyến cáo người dân các nước châu Âu đeo khẩu trang khi đón Giáng sinh và Năm Mới với gia đình, đồng thời cảnh báo số ca mắc mới gia tăng vào đầu năm 2021. WHO khẳng định rằng đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, đảm bảo giãn cách xã hội là những biện pháp hiệu quả trong kiềm chế virus lây lan, bao gồm biến thể mới nhất này.
Theo số liệu của worldometers.info, tính tới trưa 23/12 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận trên 78,3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó 1,72 triệu người tử vong. Ba quốc gia có số ca mắc cao nhất thế giới là Mỹ, Ấn Độ và Brazil.
Theo TTXVN/Báo Tin tức