Từ sự sâu sát của các tổ chức cơ sở Đoàn, sự tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, nhất là việc đổi mới trong hình thức, phương pháp, công tác tuyên truyền PCMT trong ĐVTN nói chung và học sinh, sinh viên (HSSV) trong trường học nói riêng đã cho thấy nhiều hiệu quả tích cực, trong đó phải kể đến mô hình “Tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường” của tuổi trẻ Công an tỉnh.
Đại úy Trần Hoàng Nguyên Vũ, Bí thư Đoàn Thanh niên (TN) Công an tỉnh, cho biết: Những năm gần đây, tình hình tệ nạn ma túy (MT) diễn biến hết sức phức tạp, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều loại MT mới “núp bóng” dưới các món đồ chơi, đồ ăn uống… tiềm ẩn nguy cơ MT xâm nhập vào trường học. Trên địa bàn tỉnh ta, có những thời điểm cũng ghi nhận nhiều trường hợp HSSV vi phạm các tội liên quan đến MT. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCMT trong học đường nhằm giúp HSSV, giáo viên nhận biết các loại MT mới, các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lôi kéo học sinh sử dụng MT cũng như tác hại của MT là hết sức cấp thiết. Nhận thức sâu sắc về vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào quần chúng tham gia đấu tranh với các loại tội phạm nói chung và phong trào quần chúng đấu tranh PCMT nói riêng, tháng 1-2019, Ban Chấp hành Đoàn TN Công an tỉnh chính thức phát động đến các cơ sở Đoàn trực thuộc tùy theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn tích cực tham gia thực hiện mô hình “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy và tác hại ma túy trong học sinh, sinh viên”, gọi tắt là mô hình “Tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường”. Đồng thời chỉ đạo Chi đoàn Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về MT phối hợp với các cơ sở Đoàn liên quan trực tiếp tổ chức các hoạt động như: Thiết lập và duy trì đường dây nóng tiếp nhận thông tin về MT học đường và thành lập trang Facebook “Phòng, chống ma túy học đường Ninh Thuận”. Tuyên truyền trực quan tại các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, Nhân dân và đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và HSSV về tác hại của MT, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn MT, từ đó kiên quyết phòng, chống và ngăn chặn không để MT xâm nhập vào trường học.
Chi đoàn Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
về phòng, chống ma túy cho học sinh Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool.
Từ khi triển khai đến nay, mô hình “Tuyên truyền phòng, chống ma túy học đường” của Đoàn TN Công an tỉnh đã thực hiện được 29 buổi tuyên truyền tại 20 trường học, 1 UBND phường và 2 đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh với gần 20.000 lượt ĐVTN, HSSV tham gia; gắn được 25 bảng tuyên truyền trực quan tại 25 cơ sở trường học thể hiện nội dung tuyên truyền về MT, hình ảnh một số chất MT và dụng cụ sử dụng MT thường gặp, lời khuyên cho HSSV và kỹ năng phòng tránh khi gặp đối tượng lôi kéo, dụ dỗ thực hiện các hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng MT trong học đường.
Là báo cáo viên thường xuyên tham gia tuyên truyền về tác hại của MT và cách PCMT cho HSSV các trường trên địa bàn tỉnh, Thượng úy Hoàng Mạnh Quân, Bí thư Chi đoàn Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về MT, chia sẻ: “Bảo vệ thế hệ trẻ tránh xa hiểm họa ma túy”, “Xây dựng một thế hệ mới không ma túy”… là những thông điệp được Chi đoàn đưa ra trong kế hoạch tuyên truyền về công tác phòng, chống tác hại MT đối với HSSV. Tại các buổi tuyên truyền, các thầy, cô giáo và HSSV được cung cấp những kiến thức cơ bản, cách nhận biết các chất MT, nhất là các chất MT mới, tác hại của MT đối với sức khỏe người sử dụng, những cách thức để bảo vệ bản thân trước tệ nạn MT. Chi đoàn cũng phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp tài liệu, áp phích, tờ gấp tuyên truyền PCMT phù hợp với từng cấp học để cấp phát cho các trường. Từ nguồn tài liệu này, thầy, cô giáo có thể sử dụng để lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt ngoài giờ tuyên truyền cho HSSV,… qua đó giúp mô hình “Tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường” đạt hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa hơn.
Thượng úy Hoàng Mạnh Quân còn chia sẻ thêm: Qua công tác đấu tranh với các loại tội phạm về MT, chúng tôi nhận thấy tuy tội phạm MT qua các năm đều tăng nhưng đối tượng phạm tội liên quan đến MT là HSSV lại giảm đáng kể. Cụ thể, giai đoạn 2011-2017, toàn tỉnh có 21 đối tượng vi phạm các tội liên quan đến MT là HSSV; nhưng từ năm 2018 đến nay, không ghi nhận trường hợp HSSV nào vi phạm. Đặc biệt, vào tháng 8-2020, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về MT bắt quả tang 1 vụ, 6 đối tượng thanh- thiếu niên tổ chức sử dụng trái phép chất MT tại khu phố 1, phường Đài Sơn (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm); trong số 6 đối tượng bị bắt có 1 trường hợp chỉ tham gia nhưng không sử dụng chất MT. Trường hợp đó là Nguyễn Thị Minh T., khi được hỏi tại sao không cùng “đồng bọn” sử dụng, T. khai do đã từng nghe cán bộ Công an tuyên truyền về tác hại của MT khi còn là học sinh THPT nên T. kiên quyết không sử dụng. Qua vụ việc này, bản thân tôi nghĩ rằng, mô hình “Tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường” của Đoàn TN Công an tỉnh có tác động làm thay đổi nhận thức của HSSV, góp phần giúp các em tự chủ động bảo vệ mình trước tệ nạn MT.
Trong thời gian tới, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn MT lây lan trong học đường, Đoàn TN Công an tỉnh mong muốn tiếp tục phối hợp với các đơn vị, trường học tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật không chỉ trong lĩnh vực PCMT mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực tội phạm và tệ nạn xã hội khác có nguy cơ phát sinh trong học đường. Bên cạnh đó, nhà trường cần tiếp tục xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình HSSV “Nói không với ma túy”, “Tuổi trẻ học đường tránh xa ma túy” và các câu lạc bộ pháp luật trẻ. Bởi việc trang bị những kỹ năng, kiến thức cơ bản này sẽ giúp HSSV chủ động tránh xa MT cũng như các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, qua đó, góp phần ngăn chặn tối đa sự tấn công của MT cũng như các loại tội phạm và tệ nạn xã hội vào giới trẻ hiện nay.
Diễm My