Thời gian qua, hoạt động sản xuất nho phát triển mạnh cả về mở rộng diện tích, chất lượng và lai tạo giống mới. Để duy trì danh tiếng và phát triển sản phẩm đặc thù, việc triển khai dự án Nghiên cứu mở rộng phạm vi và nội dung bảo hộ CDĐL “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Dự án do Trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu Việt Nam chủ trì thực hiện từ tháng 12-2020 đến tháng 2-2022, với các nội dung chính: Xây dựng hồ sơ mở rộng phạm vi và nội dung CDĐL“Ninh Thuận” cho sản phẩm nho từ 5 xã, thị trấn lên 6 huyện, thành phố; từ 2 giống nho lên 3 giống nho; triển khai các hoạt động khai thác và phát triển nâng cao giá trị sản phẩm nho mang CDĐL; thử nghiệm mô hình tổ chức quản lý CDĐL…
Hội nghị Giới thiệu và triển khai dự án Nghiên cứu mở rộng phạm vi và nội dung bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho. Ảnh: Anh Tùng
* Cùng ngày, Sở Khoa học và Công nghệ cũng phối hợp với Trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) OCOP Ninh Thuận.
Đại biểu tham gia Hội thảo góp ý hoàn thiện văn bản quản lý nhãn hiệu chứng nhận OCOP Ninh Thuận. Ảnh: Hồng Lâm
Tại hội thảo, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh việc xây dựng biểu tượng logo NHCN OCOP Ninh Thuận; quy chế quản lý, hồ sơ, trình tự thủ tục, thẩm quyền đề nghị cấp quyền sử dụng NHCN; quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng NHCN; chế độ báo cáo và xử lý vi phạm... Qua đó, nhằm bảo vệ uy tín, quảng bá phát triển sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm OCOP Ninh Thuận trên thị trường trong và ngoài nước.
Anh Tùng - Hồng Lâm