Lễ Kỷ niệm diễn ra theo hình thức trực tuyến do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (nước đặt trụ sở OECD), Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez (Chủ tịch OECD 2020) và Tổng Thư ký OECD Angel Gurría đồng chủ trì; tham dự buổi Lễ có lãnh đạo các nước thành viên OECD và một số khách mời.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, các nhà lãnh đạo chúc mừng OECD đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng qua 60 năm phát triển, đóng góp vào giải quyết các thách thức chung của toàn cầu. Tổng Thư ký OECD khẳng định, OECD luôn nỗ lực bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cải thiện cuộc sống của mọi người dân trên thế giới. Đại dịch COVID-19 cho thấy, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh các nhà lãnh đạo cần tiếp tục chia sẻ nguồn lực và kiến thức để cùng vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay, kêu gọi xây dựng một hệ thống thuế quốc tế công bằng, mong muốn OECD tiếp tục đề xuất các công cụ và phương pháp nghiên cứu chính sách, góp phần vào nỗ lực chung của toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Tây Ban Nha khẳng định thế giới cần có mô hình kinh tế mới để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kép hiện nay, trong đó cần chú trọng bảo đảm công bằng, bình đẳng giới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thủ tướng Tây Ban Nha kêu gọi thế giới và các nước thành viên OECD cam kết đề cao chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu và giảm nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thông điệp đến Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Trong thông điệp gửi tới Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các thành tựu mà OECD đã đạt được qua 60 năm phát triển. Với sứ mệnh xây dựng "chính sách tốt hơn vì cuộc sống tốt đẹp hơn", OECD đã trở thành một diễn đàn thảo luận chính sách hàng đầu thế giới, góp phần tích cực vào cải thiện chính sách kinh tế và quản trị kinh tế toàn cầu. Thông qua cách tiếp cận khoa học dựa trên dữ liệu thực tiễn, đa chiều, liên ngành, OECD đã chia sẻ với các nước đang phát triển nhiều bài học quý báu và thực tiễn tốt về thương mại - đầu tư, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và bao trùm.
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng OECD tiếp tục phát huy vai trò nghiên cứu và tư vấn chính sách, thúc đẩy các động lực, mô hình tăng trưởng mới, đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ, hình thành các quy tắc, tiêu chuẩn mới trong quản trị nền kinh tế toàn cầu, nhất là kinh tế số, thương mại số, cải cách hệ thống thuế quốc tế… hướng đến thực hiện tốt các Mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm cho mọi người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ mục tiêu phát triển của Việt Nam đến năm 2030 là nước thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, bên cạnh phát huy nội lực là yếu tố quyết định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn OECD tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng Việt Nam tiếp thu các thông lệ tốt, phù hợp để đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng tăng trưởng, hội nhập quốc tế, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Hợp tác Việt Nam - OECD đang phát triển ngày càng tích cực và thực chất. Việt Nam đã phối hợp với OECD xây dựng Báo cáo Đánh giá đa chiều (MDR) của Việt Nam. Báo cáo này với cách tiếp cận đa chiều, liên ngành, là một nghiên cứu công phu, một tài liệu tham khảo hữu ích cho việc xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Việt Nam.
Theo TTXVN/Báo Tin tức