Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, đại diện một số địa phương ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, cơ quan nghiên cứu và tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tổ chức nhân dân của Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Quang Hiệu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, điểm lại những thách thức hết sức to lớn do dịch COVID-19 gây ra cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong vòng một năm qua, dẫn đến việc thụ hưởng các quyền con người cơ bản bị tác động mạnh, nhất là quyền sống, được bảo đảm sức khỏe. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng, minh bạch đưa ra các chính sách, biện pháp hiệu quả với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) mà Việt Nam đã chấp thuận.
Phát gạo cho người nghèo, gia đình khó khăn trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Trợ lý Bộ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương bởi đại dịch, bao gồm người nghèo, người khuyết tật, người già, người lao động mất việc làm, không có thu nhập hoặc bị giảm thu nhập… Đồng thời, Chính phủ Việt Nam có những sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác quốc tế trong ứng phó với dịch COVID-19, trong đó đáng chú ý là việc đề xuất chọn ngày 27/12 hàng năm là Ngày thế giới sẵn sàng chống dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức cũng như tăng cường hợp tác, phối hợp trong phòng, chống dịch bệnh. Đề xuất nêu trên của Việt Nam đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận ngày 7/12, với 107 nước đồng bảo trợ.
Cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, trong đó có việc thực hiện các khuyến nghị theo UPR chu kỳ III (UPR III) cũng được ghi nhận và đánh giá cao trong phát biểu và tham luận của các đại biểu tại Hội thảo, trong đó có ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, cùng bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ các khía cạnh pháp lý của việc hạn chế quyền con người trong bối cảnh dịch bệnh, việc thụ hưởng quyền con người trên không gian mạng, vai trò và đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, nhất là các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nhân dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ Việt Nam, qua đó cho thấy các chính sách phòng, chống dịch hiệu quả luôn cần phải có sự tham gia toàn thể xã hội.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hữu ích về các biện pháp bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh dịch COVID-19, trong đó tập trung vào bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, tăng cường công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài…, từ đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy và bảo vệ tốt hơn quyền con người trong bối cảnh dịch COVID-19. Các đề xuất này sẽ được các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu và lồng ghép phù hợp vào quá trình thực hiện các khuyến nghị UPR III mà Việt Nam đã chấp thuận.
Kể từ năm 2015, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với UNDP tại Việt Nam tổ chức các cuộc hội thảo nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế với những chủ đề cụ thể, qua đó giúp nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người nói chung và các chính sách, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Theo TTXVN/Báo Tin tức