* Nhằm đảm bảo sản xuất ổn định trong điều kiện biến đổi khí hậu, nắng hạn, nông dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây trồng đến nay đạt 1.523,15 ha. Trong đó, diện tích cây hàng năm 352,26 ha; nho 203,95 ha; táo 3,44 ha; mãng cầu 8,5 ha, các loại cây ăn quả khác 139,77 ha; rau đậu các loại 815,23 ha.
Nông dân xã Thành Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây rau đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hồng Lâm
Theo đánh giá, phương pháp tưới tiết kiệm giúp giảm lượng nước tưới cho cây trồng từ 20-40% so với tưới tràn, giảm đáng kể công lao động, tiết kiệm 30% chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho người sản xuất từ 10-15%; phục hồi hệ sinh thái cho những vùng đất đang có nguy cơ sa mạc, hoang mạc hóa.
Để khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích sử dụng tưới nước tiết kiệm trên cây trồng trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ban hành chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi; đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp cung ứng vật tư, chuyển giao kỹ thuật lắp đặt, nhân rộng mô hình.
* Theo báo cáo của UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, trong năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên toàn thành phố, ước đạt 19.262 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển khá sôi động, tuy nhiên do ảnh hưởng đại dịch COVID- 19 nên hoạt động thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng khá nặng nề, mặt khác do công tác phòng, chống dịch có hiệu quả nên kinh tế thành phố sớm hoạt động lại bình thường, trong đó khu vực du lịch, dịch vụ tuy có tăng trưởng so cùng kỳ nhưng chậm lại. Tổng lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng trong năm ước đạt 1,95 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 60 nghìn lượt, nội địa 1,86 triệu lượt; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 1.125 tỷ đồng. Hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp tiếp tục được duy trì và phát huy các lợi thế, với tổng kim ngạch ước đạt 65 triệu USD, giảm 16,7% so cùng kỳ. Trong đó: Hạt điều nhân ước đạt 30 triệu USD, giảm 32,2%; thủy sản ước đạt 35 triệu USD, giảm 6,3%. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 17 triệu USD, tăng 425% so cùng kỳ, chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu điều và nguyên liệu sản xuất rượu tăng đột biến.
Người tiêu dùng mua nông sản tại siêu thị Coopmart Thanh Hà (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ
* Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Thuận Nam có tổng vốn đầu tư phát triển kinh tế toàn xã hội 15.760 tỷ đồng, tăng 248,6% so với kế hoạch, tăng 82,8% so với cùng kỳ. Trong đó: Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước 178 tỷ đồng, chiếm 1,13%; các thành phần kinh tế và dân cư chiếm 98,87%. Nguồn vốn ngân sách nhà nước do huyện quản lý được giao đầu năm và bổ sung là 76 tỷ đồng, giải ngân ước đạt 64 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch. Toàn huyện đã tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công và thực hiện thủ tục thanh quyết toán 21 công trình; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu từ đầu năm đến nay là 32 công trình.
* Trong năm 2020, giá trị sản xuất của huyện Ninh Sơn đạt gần 2.100 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 35,3%, trong đó công nghiệp khai khoáng 5,35 tỷ đồng, tăng 15%; công nghiệp chế biến đạt 895,15 tỷ đồng, tăng 23,6%; sản xuất phân phối điện, nước đạt 648.12 tỷ đồng, tăng 85%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như: Điện thương phẩm đạt 74,6 triệu Kwh, tăng 14,3% so với cùng kỳ; điện sản xuất 579,1 triệu Kwh, tăng 77%; gạch sản xuất 29,4 ngàn viên giảm 2,14%; nước máy ghi thu 1.386 ngàn m3 tăng 10,9% so cùng kỳ. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 1.422 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là kinh tế tư nhân đạt 1.358 tỷ đồng, chiếm 95,5%; kinh tế nhà nước đạt 64 tỷ đồng, chiếm 4,5% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.
Hồng Lâm-NN