Thời gian qua, xuất hiện thực trạng nhiều đối tượng đăng tin, giới thiệu trên mạng xã hội về việc cung cấp, trao đổi, mua bán văn bằng, chứng chỉ, làm các loại giấy tờ theo yêu cầu. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, hoạt động sản xuất giấy tờ giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện và việc sử dụng giấy tờ giả cũng có xu hướng gia tăng, phức tạp. Đây là các hành vi vi phạm pháp luật, kéo theo đó là việc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.Phan Rang-Tháp Chàm thụ lý nhiều vụ án liên quan tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Điển hình, do muốn vay vốn để sản xuất chăn nuôi, chị P.T.T. hộ khẩu thường trú: Thôn Thành Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước) nghĩ ra cách làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đi vay ngân hàng. Chị P.T.T lên mạng tìm kiếm và đặt mua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả với số tiền 10.000.000 đồng. Sau khi có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, ngày 15-6-2020, chị T. đến liên hệ với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - chi nhánh Ninh Thuận để vay vốn bằng hình thức thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Qua nghiên cứu, xem xét hồ sơ, ngân hàng đồng ý cho chị T. vay vốn và yêu cầu chị đi công chứng hợp đồng và tiến hành đăng ký thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, khi chị T. nộp hồ sơ vào Văn phòng Đăng ký đất đai Ninh Thuận - chi nhánh Ninh Phước đăng ký thế chấp tài sản bị Văn phòng Đăng ký đất đai Ninh Thuận - chi nhánh Ninh Phước phát hiện, nghi vấn giấy tờ trên là giả đã trình báo với cơ quan Công an. Qua điều tra, xác minh, ngày 30-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với P.T.T về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: Người có hành vi làm, sử dụng con dấu, tài liệu giả có thể bị truy tố tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức với hình phạt cao nhất là phạt tù 3-7 năm. Ngoài ra, việc sử dụng tài liệu giả để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS. Hình phạt cao nhất đối với hành vi này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Để góp phần ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; đồng thời ngăn chặn việc sử dụng tài liệu giả để thực hiện hành vi lừa đảo, gây thiệt hại tài sản, mất ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng trong kiểm tra, quản lý thì người dân cần nâng cao ý thức, không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ, bằng cấp giả. Đồng thời, người dân phải luôn đề cao cảnh giác, thận trọng trong mỗi giao dịch liên quan đến các loại giấy tờ, đến cơ quan, văn phòng công chứng để đảm bảo tính xác thực của các loại giấy tờ, làm thủ tục mua bán theo đúng quy định của pháp luật.
Dương Bình